Giữ ổn định diện tích trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 18/05/2018 11:01
(ĐCSVN) – Theo Đề án phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, diện tích mía vào năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ còn 44.000 ha.
Sản xuất mía ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Báo Hậu Giang)

Theo đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích mía cần phát triển là 44.000ha, năng suất bình quân là từ 68 đến 70 tấn/ha, trữ lượng đường bình quân 11 - 12 CCS, sản lượng mía từ 20 - 21 triệu tấn, trong đó sản lượng mía đưa vào ép 19 triệu tấn, năng suất đường 7 tấn đường/ha. Riêng công suất nhà máy 31.500 tấn mía/ngày và tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi, có ít nhất trên 70% nhà máy có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép mía còn 110 - 115 ngày/vụ.

Mục tiêu chính của đề án là đến năm 2020 giữ ổn định diện tích mía, tăng năng suất để đạt sản lượng mía, sản lượng đường, nâng tỷ lệ đường tinh luyện, tận dụng các phế phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ phẩm khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường.

Được biết, thời gian qua, do giá thành hạ, khó tiêu thụ dẫn đến các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tồn đọng một lượng lớn đường thành phẩm. Kéo theo đó là hàng nghìn ha mía đến kỳ thu hoạch của nông dân không có nơi tiêu thụ, có những nơi đã thu hoạch xong người nông dân phải để mía khô héo, giảm chất lượng. Các tỉnh có diện tích mía nhiều như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…trong đó Hậu Giang là tỉnh có diện tích mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 11.000 ha đã rất khó khăn trong khâu tiêu thụ mía. Nhiều địa phương đưa ra việc “giải cứu” đường bằng cách khuyến khích cán bộ, công nhân viên trong tỉnh mua, giúp nhà máy bớt tồn đọng, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Nguyên nhân là do người trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long  thường trồng mía với diện tích nhỏ lẻ, trồng thủ công, giống mía năng suất, chất lượng kém, chữ đường thấp so với một số giống mía của nước ngoài. Các loại phân bón cũng được dùng chưa hợp lý, nên vốn bỏ ra để trồng 1ha mía rất cao.

Ngoài giá mía cao dẫn đến giá đường tăng theo, doanh nghiệp sản xuất đường còn chịu chi phí thêm từ giá điện mỗi lúc một tăng, giá nhân công và chi phí lưu kho, từ đó dẫn đến giá đường trong nước luôn cao hơn giá đường nước ngoài. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với thực trạng diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún; trình độ thâm canh của nông dân trồng mía thấp, chưa đồng đều; công tác khuyến nông của ngành nông nghiệp chưa được chú trọng; nguồn giống mía chất lượng thấp… đây là lý do làm cho ngành mía đường phát triển chưa theo kịp thế giới, giá thành sản xuất ra 1kg đường luôn cao, thiếu tính cạnh tranh trên thế giới.

Để người trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long yên tâm sản xuất, các nhà máy chế biến đường ở khu vực này phát triển bền vững, các địa phương phải quy hoạch thành vùng nguyên liệu với quy mô lớn để có điều kiện áp dụng kỹ thuật mới về phân bón, giống, thâm canh, thủy lợi. Đồng thời, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, cơ giới hóa từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía.

Song song với đó, phải đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học sản xuất, lai tạo các giống mía mới như các giống lai, giống thuần cho năng suất cao, các nhà máy cũng cần đầu tư nâng cấp hiện đại hóa máy móc thiết bị, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ và nâng cao chất lượng quản lý sản xuất kinh doanh để hạ giá sản phẩm..v.v../..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực