Gỡ khó cho hàng Việt trong cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại

Thứ tư, 26/04/2017 20:56
(ĐCSVN) - Ngày 26/4 tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”.

Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0% và hàng loạt các FTA có hiệu lực thì hàng Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành. Điều này khiến cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần lớn, nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị. Hơn nữa, hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế về mẫu mã và chất lượng khiến hàng Việt đã khó lại thêm khó.

Chia sẻ về vấn đề này, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sở dĩ hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm chưa bao giờ dễ dàng vì kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam còn khá ít, chưa đạt 30%. Cùng với đó, hàng hóa vào siêu thị bao giờ tiêu chuẩn cũng cao hơn chợ truyền thống, hay các shop bán hàng thông thường vì tiêu chuẩn cao được coi là “rào cản” về kỹ thuật. Mặt khác, các doanh nghiệp không thường xuyên cập nhật yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại nên hàng hóa dù tốt nhưng vẫn khó cạnh tranh. Chính vì vậy, dù nhiều doanh nghiệp đã cố gắng thay đổi hình thức mẫu mã nhưng chưa có bứt phá khiến người tiêu dùng còn e dè khi lựa chọn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Big C phân phối trên 45.000 mặt hàng và có tới trên 90% xuất xứ là hàng Việt. Nhiều năm nay, hệ thống Big C vẫn luôn có chính sách đồng hành cùng hàng Việt. Tuy nhiên, là nhà phân phối Big C cũng đưa ra những quy chuẩn cụ thể khi đưa hàng vào hệ thống để hỗ trợ trưng bày cũng như chạy các chương trình giảm giá khuyến mại nhằm hút khách. Đơn cử như với mặt hàng giấy vệ sinh, Big C yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng đảm bảo nhằm nâng cao vị thế hàng Việt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cũng chính từ những rào cản ban đầu này mà hơn 1.000 doanh nghiệp Việt khi đã bước chân qua cửa của hệ thống Big C đều cảm thấy hài lòng và yên tâm khi ký gửi hàng hóa tại đây.

Lý giải ý kiến cho rằng khi bước chân vào siêu thị doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí, cả khuyến mại, ông Nguyễn Thái Dũng khẳng định, Big C lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp đứng trên góc độ đại diện bảo vệ quyền lợi người mua sắm nên luôn lựa chọn hàng hóa tốt, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, nếu xét về tổng thể có thể thấy rằng hàng hóa đưa vào BigC không hề khó nhưng để phục vụ khách hàng tại đây lại không phải là việc dễ dàng. Khi Big C chạy các chương trình khuyến mãi, nhà sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ để các bên cùng hưởng lợi. Và kết quả cho thấy sau các chương trình này hầu hết doanh số đều tăng gấp 2-3 lần, khối lượng hàng hóa cũng được tiêu thụ mạnh. Nhờ chính sách này, thúc đẩy bán hàng, người dùng thân quen, quen thuộc với hàng hóa, lần sau khi thấy thương hiệu đó họ sẽ lựa chọn.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng tán thành quan điểm hiện nay tại các siêu thị hàng Việt chiếm tới trên 70%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp Việt lại đang mất dần thị phần ngay chính trên sân nhà. Bởi, hệ thống phân phối chỉ là kênh giúp xích gần khoảng cách giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Còn lòng tin và sự lựa chọn hay không phải dựa vào chất lượng của chính sản phẩm ấy.

Một vấn đề nữa đang được bà Đinh Thị Mỹ Loan trăn trở là việc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ và được đặt trên các quầy kệ chưa chắc đã đem lại lợi ích kinh tế nhiều cho các doanh nghiệp. Vì chi phí vận hành rất tốn kém, rào cản nhiều. Không những thế, khi doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác với hệ thống phân phối thì lại quay lưng với kênh bán lẻ truyền thống mà lâu nay vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, hàng có xuất xứ Việt để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như mức chiết khấu không cao. Cùng với đó, hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng có xuất xứ Việt khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm… Vì vậy, làm sao để gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh phân phối hiện đại dễ dàng hơn là vấn đề được đặt ra./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực