Góp phần phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Hà Giang

Thứ bảy, 29/12/2018 18:41
(ĐCSVN) – Những năm gần đây, với sự thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, Hà Giang đã có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thương hiệu cam sành Hà Giang đang từng bước khẳng định vị trí trong người tiêu dùng (Ảnh: P.V)

Để có được điều này, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các địa phương... còn có sự đóng góp của Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tỉnh Hà Giang.

Những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động năm 2018

Chia sẻ với phóng viên về hoạt động của Trung tâm trong năm 2018 gắn với công tác hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực thời gian qua trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương Hà Giang khẳng định, năm 2018, hoạt động khuyến công tiếp tục bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở CNNT, tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh và chủ lực của tỉnh theo hướng "Mỗi xã một sản phẩm". Để hỗ trợ phát triển hiệu quả, Trung tâm chú trọng đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, không hỗ trợ dàn trải, như hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, ứng dụng thiết bị và chuyển giao công nghệ vào quá trình sản xuất.

Cũng theo bà Hằng, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Công Thương Hà Giang và phối hợp với các huyện, thành phố triển khai hỗ trợ 14 nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến các sản phẩm đặc trưng như: Dệt vải lanh của đồng bào dân tộc, ớt gió của huyện Đồng Văn; mật ong bạc hà, rượu ngô men lá Cao nguyên đá của huyện Mèo Vạc; tinh bột nghệ của huyện Bắc Mê; thịt gia súc hun khói chất lượng cao của huyện Vị Xuyên; chè xanh, chè đen của huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần; chế biến thực phẩm sạch, tinh dầu lạc, sản phẩm may mặc xuất khẩu của huyện Bắc Quang và hỗ trợ phát triển một số sản phẩm khác; tổng số kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương là 1.260 triệu đồng. Qua đó, góp phần trang bị cho các cơ sở CNNT những thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm qua chế biến, cung ứng cho thị trường sản phẩm an toàn và chất lượng.

Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai hỗ trợ 3 nội dung xây dựng đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gồm: Thịt gia súc hun khói chất lượng cao, rượu ngô men lá Cao nguyên đá và chè Shan tuyết tại các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc và thành phố Hà Giang với kinh phí là 90 triệu đồng. Từ đó, doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ để gắn lên sản phẩm, bao bì, phương tiện trong hoạt động kinh doanh, lưu thông, chào bán, quảng cáo sản phẩm của đơn vị mình. Đồng thời để nhận biết, so sánh, khẳng định thương hiệu của sản phẩm đối với sản phẩm tương tự khác.

Theo đó, Trung tâm cũng hỗ trợ 4 nội dung tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, tinh bột nghệ và rượu ngô men lá Cao nguyên đá trên địa bàn các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê và thành phố Hà Giang với kinh phí là 120 triệu đồng. Việc hỗ trợ tư vấn thiết kế, in ấn mẫu mã bao bì sản phẩm không chỉ có tác dụng bảo vệ, mô tả và giới thiệu sản phẩm mà nó còn chứa đựng rất nhiều nhân tố tác động đến khách hàng và việc quyết định lựa chọn mua sản phẩm.

Với sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn, theo dõi sát sao của cán bộ làm công tác khuyến công của Trung tâm, các đề án khuyến công năm 2018 đã triển khai hoàn thành và nghiệm thu sớm hơn dự kiến và kịp thời giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT.

Có thể khẳng định, đến nay tất cả các đơn vị thụ hưởng đã đi vào hoạt động ổn định, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ vào sản xuất chế biến, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng, được bảo hộ nhãn hiệu, có mẫu mã bao bì đẹp để cung ứng cho thị trường.

Cùng với đó, trong năm 2018, Trung tâm đã xây dựng dự thảo về Quy định xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, kế hoạch, đề án; định mức chi, quản lý kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh Hà Giang ban hành tại Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 16/10/2018. Đồng thời tham mưu cho Sở Công Thương tổ chức thành công việc bình chọn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT cấp tỉnh năm 2018 cho 14 sản phẩm đoạt giải.

Đối với cam sành Hà Giang, bà Hằng cho biết thêm, xác định đây là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đã được quan tâm đẩy mạnh trong đó có việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Trong quá trình đó, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương đã thường xuyên có sự phối hợp với các ngành chức năng, các hợp tác xã trồng cam ... tham mưu cho UBND tỉnh để công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ ngày càng hiệu quả hơn.

Trong năm 2018, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Công Thương trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 18/5/2018 về xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà, dược liệu, chè, cam sành năm 2018. Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm đã thiết kế, in ấn và dàn dựng gian hàng hỗ trợ huyện Quang Bình trưng bày, bán sản phẩm cam sành VietGAP tại thành phố Hà Giang phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán và đưa một số hợp tác xã cam sành của huyện Bắc Quang tham gia quảng bá, tiêu thụ tại Hội chợ xuân Mậu Tuất 2018 tỉnh Hưng Yên.

Không những thế, Trung tâm còn tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, trong đó có cam sành Hà Giang tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố gắn với Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam và Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm - OVOP; tại Triển lãm quốc gia thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại thành phố Hà Nội. Cùng với việc hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, mới đây, Trung tâm đã thiết kế, in ấn mẫu mã bao bì mới để đựng sản phẩm cam sành và hỗ trợ trực tiếp cho một số Hợp tác xã trồng cam sạch trên địa bàn huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình.

Đặc biệt, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phóng sự giới thiệu về quá trình trồng cam VietGAP, công tác hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2018 - 2019 và đã được phát trên sóng VTV1; đồng thời tổ chức Tuần lễ cam sành, đặc sản Hà Giang và Hội nghị kết nối, tiêu thụ cam sành Hà Giang tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT tại thành phố Hà Nội với những kết quả, hiệu ứng rất khả quan để tiến tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2018 - 2019.

Tiếp tục quảng bá sản phẩm chủ lực


Cam sành Hà Giang tại Hội chợ nông đặc sản vùng miền và Tuần lễ quảng bá cam Hà Giang, quýt Bắc Kạn 2018 tại Hà Nội diễn ra trung tuần tháng 12/2018 (Ảnh: HNV)

Để tiếp tục quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang, Giám đốc Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương sẽ tham mưu tuyên truyền, vận động các hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu lâu dài cho cam sành Hà Giang; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến các sản phẩm từ quả cam, qua đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cam sành Hà Giang.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020; trong đó có tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương. Hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì sản phẩm ... để nâng cao giá trị, qua đó tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng của tỉnh Hà Giang và tiếp tục kết nối đưa sản phẩm hàng hóa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố lớn.

Đặc biệt, sẽ đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, trong đó có cam sành Hà Giang. Ngoài ra, có thể ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất để quản lý chất lượng, tạo ra những sản phẩm chè, cam sành ... mang thương hiệu bền vững để xuất khẩu ra nước ngoài./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực