Góp ý dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”

Thứ ba, 24/10/2017 22:24
(ĐCSVN) - Ngày 24/10, tại TP.Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh Hội thảo

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung “Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân”. Theo đó, đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập và có 85% số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.  

Để hiện thực hóa yêu cầu trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước hết tập trung vào 03 trục sản phẩm trụ cột nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm huyện - xã. Trên cơ sở dự thảo Đề án gửi các Bộ, ngành, địa phương góp ý, đến nay đã có 51 đơn vị (09 Bộ, ngành Trung ương và 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã gửi văn bản góp ý nội dung dự thảo Đề án. Vì vậy, Hội thảo tổ chức lần này với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đóng góp thiết thực trên cơ sở thực tiễn của từng địa phương để Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh Đề án Chương trình OCOP, trình Chính phủ phê duyệt nhằm sớm triển khai trong thời gian tới.

Dự thảo Đề án OCOP được xây dựng theo hướng mỗi xã tùy theo điều kiện của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của mỗi địa phương để phát triển, có thể là những sản phẩm tiêu dùng (như rau, hoa quả, đồ gỗ…), sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch mang nét đặc trưng, kết hợp được các yếu tố địa lý, văn hóa, truyền thống của địa phương đó được thị trường chấp nhận. Để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao; thực hiện chuyển đổi sản xuất từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.    

Theo kết quả khảo sát đánh giá toàn quốc do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) thực hiện, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về thực trạng các sản phẩm của các địa phương với 4.823 sản phẩm có tiềm năng để tổ chức sản xuất trong Chương trình OCOP.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đưa ra góp ý vào Đề án, trong đó, các ý kiến đều nhấn mạnh việc quảng bá rộng rãi các sản phẩm đã được lựa chọn sẽ làm tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, giúp người dân địa phương, tái đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các ý kiến cũng nhất  trí cho rằng, cần tổ chức triển khai đồng bộ “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” trên mọi khía cạnh kinh tế, văn hoá, xã hội và phải có sự tham gia của cộng đồng để huy động các nguồn lực, từ tri thức, công nghệ, nguyên liệu địa phương đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển, với sự tham gia đầy đủ của người dân là chủ nhân của quá trình phát triển ngành nghề nông thôn...

Tin, ảnh: Phạm Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực