Hà Giang: Nâng cao uy tín của thương hiệu chè Shan ​

Thứ ba, 18/09/2018 23:56
(ĐCSVN) - Chè là cây trồng mũi nhọn và là một trong 6 sản phẩm đặc thù trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020 (gồm phát triển cam, chè, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi trâu, bò, đàn ong khai thác mật theo hướng hàng hóa).
Gian hàng trưng bày và quảng bá các sản phẩm chè Shan Hà Giang
tại Trung tâm Công thương - Xúc tiến thương mại Hà Giang. Ảnh: VP

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt trên 21,5 nghìn ha và được trồng tập trung tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; trong đó đã có 1.684 ha chè được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và 1.720 ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ; trong đó, chủ yếu là sản phẩm chè Shan.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và nâng cao giá trị của cây chè Shan, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm cây chè theo hướng bền vững, tỉnh Hà Giang đã triển khai Đề án Phát triển chè theo hướng an toàn VietGAP và chè hữu cơ tại 5 huyện trồng chè, giai đoạn 2016 – 2020.

Trên địa bàn Hà Giang, do đặc thù của các tiểu vùng thời tiết khí hậu, nông hóa thổ nhưỡng, truyền thống trồng chè của người nông dân…nên giống chè Shan tuyết chiếm trên 90% diện tích chè của toàn tỉnh và được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Cũng do đặc thù của tiểu vùng thời tiết khí hậu và nông hóa thổ nhưỡng đã tạo cho Hà Giang các thương hiệu chè nổi tiếng như chè Shan tuyết Lũng Phìn huyện Đồng Văn, Chè Shan Nậm Ty của huyện Hoàng Su Phì, chè Cao Bồ của huyện Vị Xuyên…nổi tiếng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang còn tồn tại khá nhiều diện tích chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại xã Lũng Phìn huyện Đồng Văn, quần thể chè cổ thụ tại các xã Thông Nguyên, Nậm Ty… của huyện Hoàng Su Phì và quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên…

Trong những năm qua, Hà Giang luôn xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, công tác trồng mới và đầu tư khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh, thu hái và chế biến chè luôn được tỉnh quan tâm bằng các cơ chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất cho người trồng chè để mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh và cải tạo các vườn chè già cỗi; ưu tiên, hỗ trợ các cơ sở chế biến chè trong quá trình xây dựng thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ triển khai thực hiện mỗi năm trồng mới 500 ha chè, trong đó trồng thay thế diện tích chè già cỗi khoảng 50 ha, trồng dặm do chè bị mất khoảng từ 200 – 300 ha, còn lại là các diện tích chè trồng mới. Phấn đấu đưa cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn của tỉnh.

Vì vậy, để khai thác và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ các sản phẩm chè búp tươi tại 5 huyện trồng chè của tỉnh đều phải đạt chất lượng về an toàn thực phẩm và hình thành chuỗi giá trị giữa các cơ sở chế biến với vùng sản xuất.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã triển khai các giải pháp phục vụ cho Đề án phát triển cây chè, giai đoạn 2016 - 2020 mà UBND tỉnh đã đề ra. Bước đầu triển khai thành lập 22 cơ sở sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 5 huyện trồng chè, tổ chức các lớp tập huấn cho người nông dân tại các huyện trồng chè và các cơ sở chế biến chè theo hướng an toàn, xây dựng Trạm Quản lý chất lượng chè tại huyện Bắc Quang.../.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực