Hà Nam: Hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống

Thứ năm, 15/03/2018 16:52
Những năm qua, UBND tỉnh Hà Nam đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định, bền vững, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnam+).

Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và các đề án phát triển làng nghề. Trong giai đoạn 2011 - 2017, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho hoạt động khuyến công hơn 16,1 tỷ đồng và hỗ trợ cho làng nghề, cơ sở làng nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua các đề án với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng.

Làng Gốm Quyết Thành ở thị trấn Quế (huyện Kim Bảng, Hà Nam) là làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời với sản phẩm đặc trưng là gốm son. Sau khi được thụ hưởng từ Đề án hỗ trợ phát triển các làng nghề của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam, làng nghề gốm Quyết Thành đã dần được khôi phục và phát triển ổn định sau một thời gian tưởng chừng như phải ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm Hợp tác xã Gốm Quyết Thành cho biết, làng nghề Gốm Quyết Thành đã ngày một phát triển bền vững hơn sau khi được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam hỗ trợ để thay đổi hệ thống dây chuyền lò nung đốt sản phẩm bằng khí gas.

Theo đó, lò nung công nghệ mới có nhiều ưu điểm so với lò nung truyền thống như: đốt được nhiều sản phẩm phức tạp, tỷ lệ thành công trên 95%, giảm được sức lao động của con người và giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường… Sản phẩm tạo ra đẹp hơn, tốt hơn và đa dạng mẫu mã theo yêu cầu của thị trường. Hiện nay, sản phẩm gốm Quyết Thành không chỉ được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Mỹ…

Theo thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có 35 làng nghề truyền thống và 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Tổng số lao động làm việc trong làng nghề truyền thống là gần 12.000 người; làm việc trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gần 7.300 lao động. Nhóm ngành chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm tại các làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động với thu nhập từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng; nhóm ngành dệt, nhuộn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn; nhóm ngành cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất tre nứa hoạt động kém hiệu quả, đang có xu hướng mai một.

Đối với các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhóm ngành gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh, chế biến gỗ đang phát triển ổn định, tạo việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng; nhóm ngành ươm tơ, dệt vải cũng tạo được nhiều việc làm, thu hút lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3,5 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhóm thủ công mỹ nghệ với sản phẩm chính là chăn, ga, gối, túi sách, khăn bàn, thêu, chiếu trúc... đây là mặt hàng chủ yếu xuất khẩu, thời gian qua do kinh tế thế giới suy thoái nên sản lượng giảm từ 40% đến 70%, thu nhập của lao động chỉ từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Nam hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc như: tình trạng suy giảm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng gia tăng nhưng chưa được quan tâm xử lý đúng mức. Hầu hết sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đầu tư; sản xuất còn nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, lao động thủ công còn chiếm tỷ lệ lớn, việc đầu tư đưa khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, trình độ tay nghề của lao động trong các làng nghề còn hạn chế...

Theo ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, để làng nghề phát triển bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ củng cố và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh tăng trưởng, giá trị sản xuất, nâng thu nhập bình quân lao động của làng nghề phấn đấu đạt 1,5 lần tiêu chí thu nhập xây dựng nông thôn mới

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: dệt Nha Xá, trống Đọi Tam, rũa Đại Phu...

Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận với công nghệ tiên tiến, xúc tiến đầu tư và bao tiêu sản phẩm; khuyến khích phát triển làng đa nghề, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngành nghề hướng đến khai thác lợi thế lao động và nguyên liệu tại địa phương; khuyến khích lao động chuyên sâu một nghề và biết nhiều nghề, thích ứng được tác động của cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề./.

Nguyễn Chinh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực