Hà Nam: Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Thứ sáu, 19/04/2019 15:25
(ĐCSVN) - Sáng 19/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Sở đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng liên quan trong công tác phòng chống, dập và kiểm soát tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Hà Nam dồn sức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Ngày 15/4, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ 1 hộ chăn nuôi của xã An Lão (Bình Lục) và 2 mẫu tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý) dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Được biết, số lợn tại xã An Lão đã tiêu hủy an toàn do dịch tả lợn châu Phi là 104 con, tại phường Lam Hạ là 29 con. Trước đó, ngày 14/4, trên địa bàn huyện Lý Nhân có 4 xã mới xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi với 538 con lợn của 21 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy.

Đến chiều 18/4, phát hiện thêm 9 xã của các huyện xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, gồm: Nhân Mỹ, Nhân Hưng, Nhân Đạo, Nhân Bình (huyện Lý Nhân); Tiên Ngoại, Đọi Sơn (huyện Duy Tiên); Thanh Sơn, Thụy Lôi (huyện Kim Bảng) và Thanh Bình (huyện Thanh Liêm). 

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam tiến hành thu gom,
tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở huyện Bình Lục. (Ảnh: Đức Văn)

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam vẫn đang chủ động từ công tác tham mưu cho đến hành động trực tiếp cùng các đơn vị liên quan tích cực tập trung phòng chống dịch; trong đó chú trọng khoanh vùng để dập ngay khi phát hiện ổ dịch, tránh để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; tích cực tuyên truyền, vận động người dân khi thấy lợn có biểu hiện ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tuyệt đối không giấu dịch, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh.

Phục vụ cho việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đến nay, tỉnh Hà Nam đã sử dụng hơn 6.300 lít hóa chất và hơn 140 nghìn kg vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường vùng dịch; đồng thời, duy trì liên tục các chốt kiểm soát để ngăn chặn, phòng ngừa việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra - vào vùng có dịch./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực