Hà Nội thể hiện sự thu hút đầu tư chuyên nghiệp, cầu thị, quyết tâm cao

Thứ bảy, 27/06/2020 14:19
(ĐCSVN) – Thảo luận, trao đổi tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và Phát triển” sáng 27/6, các đại biểu tham dự đều bày tỏ ấn tượng với cách thu hút đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, quyết tâm cao với nhiều cách làm ấn tượng của Hà Nội. Các đại biểu cũng “hiến kế” để Hà Nội khai thác hết được tiềm năng, lợi thế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hơn 1.200 doanh nghiệp dự Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển''

Hà Nội: Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Ấn tượng với cách kêu gọi toàn dân khai thác mọi nguồn lực

Phát biểu mở đầu phần trao đổi, thảo luận về các giải pháp thu hút, hợp tác đầu tư, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ấn tượng trước những thành công trong nỗ lực chiến đấu với đại dịch COVID-19 thời gian qua của Hà Nội. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta rất chủ động, kiên định, quyết liệt trong chuyển trạng thái sang phát triển kinh tế một cách thận trọng, bền vững nhưng khai thác nhanh. Ngoài đóng góp vào kết quả chung trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Hà Nội cũng là điểm đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chọn cho việc tái khởi động nền kinh tế, quyết định tăng trưởng 1,3% so với các tỉnh thành. Điều này không chỉ góp cho vào kinh tế của Hà Nội mà còn lan toả tới cả nước vì GDP Hà Nội chiếm 16% GDP và 19% ngân sách của cả nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ sự ấn tượng và ngạc nhiên trước cách thu hút, kêu gọi đầu tư hết sức chuyên nghiệp, ấn tượng của Hà Nội qua Hội nghị này. Thành phố đã mời gọi được đông đảo tất cả các thành phần kinh tế, kêu gọi toàn dân tập trung cùng Thủ đô khai thác mọi nguồn lực. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao cũng như sự cầu thị, quyết tâm của thành phố.

Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, giá trị gia tăng của khu vực này đang từng bước được khẳng định, trong đó Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. Việc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội hoàn toàn có cơ sở. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu đầy đủ hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xuất khẩu… tại Hà Nội để quyết định hướng lựa chọn đầu tư.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành cùng UBND Thành phố và các sở, ban, ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư, triển khai nhanh chóng, đồng bộ dự án; cùng hơn một triệu hộ nông dân Thủ đô khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn của Thủ đô, đóng góp vào bức tranh phát triển chung của cả nước. Đặc biệt năm nay Hà Nội phấn đấu tăng tỷ trọng tăng trưởng nông nghiệp 6,25% đây là sự cố gắng rất tích cực góp phần để nền nông nghiệp nước ta hoàn thành trong hoàn cảnh rất khó khăn” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ      

Hà Nội nên có đề án tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực

Trao đổi về nguồn nhân lực phát triển công nghệ thông tin và kinh tế số cho Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhu cầu về nhân lực ngành Công nghệ thông tin của Thành phố Hà Nội ngày càng tăng. Năm 2012, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin của thành phố vào khoảng 20.000 người, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 61.000 người, gấp hơn 3 lần.

Xét về nguồn cung, qua khảo sát của Bộ, cả nước có 133 trường đào tạo về công nghệ thông tin với khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp/năm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho lĩnh vực này những năm 2019 và 2020 thấp hơn nhiều so với nhu cầu, do đó, còn dư địa để các cơ sở đào tạo tiếp tục mở rộng đào tạo lĩnh vực này. Điều kiện thuận lợi là học sinh phổ thông ở Hà Nội và cả nước có các chỉ số đáp ứng yêu cầu học về công nghệ thông tin rất tốt. Tuy nhiên, khó khăn là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn khó khăn, chương trình đào tạo còn lạc hậu chưa gắn với thực tế, trình độ tiếng Anh của học sinh còn thấp...

Để chủ động nguồn nhân lực công nghiệp thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Hà Nội xây dựng đề án tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và kết nối với các trường đào tạo công nghệ thông tin. “Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ hỗ trợ Thành phố, trong đó có việc tăng cường kiểm định chất lượng để hạn chế việc phải đào tạo bổ sung; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ bảo đảm cung  - cầu nhân lực” Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị “các doanh nghiệp chủ động đặt hàng cho các trường, phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng xây dựng chương trình đào tạo; hợp tác công - tư để nâng cao chất lượng trang thiết bị về đào tạo công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo”.

Bộ trưởng thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ chế thí điểm đào tạo công nghệ thông tin trên cơ sở chuẩn đầu ra, khi sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu; xây dựng cơ sở dữ liệu để cân đối trong quá trình chỉ đạo đào tạo….

Chủ tịch Phòng thương và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. 

Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới

Chủ tịch Phòng thương và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch COVID-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là một kỳ tích.

Hà Nội tổ chức hội nghị hôm nay nhằm bắt đầu giai đoạn phát triển mới. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất ở cấp độ địa phương, có tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Tên Hội nghị “Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” thể hiện thông điệp và tầm nhìn của Hà Nội trong hợp tác để phát triển.

“Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này”, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.

Tại hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới, và làn sóng này lan tỏa ra cả nước, theo Chủ tịch VCCI, cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất. Tính tiên phong của lãnh đạo Thành phố Hà Nội luôn ở “top” dẫn đầu nhưng sự thân thiện của công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Hà Nội nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dion 

Hà Nội có công cụ tốt để quảng bá hình ảnh là việc đã kiểm soát tốt dịch COVID-19

Trao đổi tại Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dion cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong giai đoạn hậu COVID-19 là vấn đề chiến lược, lâu dài. “Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho Hà Nội. Cụ thể là nó đã tạo ra sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia. Thách thức đối với Hà Nội lúc này là làm thế nào để tận dụng thời cơ, biến cơ hội này thành động lực lớn để phát triển”, ông Ousmane Dione nói.

Kể lại câu chuyện của người đồng hương, là một cầu thủ gốc Phi hiện đang thi đấu cho CLB Hà Nội, ông Ousmane Dione nêu lên 4 bài học kinh nghiệm có thể giúp Hà Nội thành công. Theo ông Ousmane Dione, cũng giống như một cầu thủ bóng đá, tìm kiếm một đội bóng phù hợp để khẳng định tài năng thì các nhà đầu tư cũng đang mong muốn tìm một môi trường phù hợp để phát triển. “Hà Nội hiện không chỉ có môi trường đâu tư thuận lợi, môi trường sống tốt, mà Hà Nội còn đang có công cụ tốt để quảng bá hình ảnh là việc đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, trở thành điểm điến an toàn”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Ông Ousmane Dione cho rằng, việc thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được hệ sinh thái, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. "Điều này chính quyền Thành phố có thể hỗ trợ được, thông qua việc lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp trong nước đủ khả năng để liên kết đầu tư sản xuất”, ông Ousmane Dione nói và nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao là phải được chuyển giao công nghệ và tạo động lực để phát triển.

Hiến kế để Hà Nội thu hút đầu tư, ông Ousmane Dione đề xuất, Hà Nội có thể tăng khả năng thút hút đầu tư từ việc nâng cao đào tạo các kỹ năng cho người lao động, trong đó chú trọng đến kỹ năng máy tính, công nghệ thông tin, ngôn ngữ, các kỹ năng phức hợp cao… Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI không chỉ đến đầu tư, mà đến “định cư” để có đóng góp tối đa cho Hà Nội. Để làm điều này, ngoài tạo môi trường pháp lý thuận lợi, Thành phố cần phải tiếp tục cải thiện môi trường sống, như xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, trong đó chú ý đến chất lượng môi trường không khí…, biến Hà Nội thành nơi đáng sống, có môi trường sống tươi đẹp.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trong nhiều lần tổ chức, Hội nghị này đã thu hút được nguồn vốn lớn, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. “Tôi tin hội nghị lần này sẽ thành công, thành công hơn nữa do Hà Nội đã kiểm soát được dịch COVID- 19. Ngân hàng thế giới cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Hà Nội”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Hang Yong

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đóng góp hơn nữa vào Hà Nội

Ông Kim Hang Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng, cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Sống và làm việc tại Việt Nam, ông cảm nhận rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp do dịch bệnh này, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” - ông Kim Hang Yong dẫn câu tục ngữ này để nói lên sự cần thiết đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn hiện nay. Ông đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, minh bạch thông tin về tình hình dịch và đã sớm khống chế được dịch. Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất như cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, gia hạn nộp thuế... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

“Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam nên sớm cấp visa và mở đường bay quốc tế trở lại bình thường”, ông Kim Hang Yong đề nghị.

Ông Kim Hang Yong cho biết, Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi kỹ thuật số để Việt Nam trở thành xã hội kỹ thuật số; đồng thời khẳng định, doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung tay, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội…/.

Thu Hà - Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực