Hàng giả tràn ngập thị trường nông thôn Nghệ An

Thứ ba, 15/06/2010 17:33

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có mặt tại phiên chợ Sáo xã Nam Giang huyện Nam Đàn (Nghệ An) mới thấy nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan được nhập lậu về bán.

Tại sạp hàng bán dép, nhiều người đang lựa chọn những đôi dép tông cao su màu xanh, đen có giá chỉ 5.000-7.000 đồng/đôi. Nhưng khi cầm lên xem thì mới thấy dép làm bằng chất liệu cao su bở bục, cạnh dép được gọt loa qua vẫn còn lam nham. Tìm đỏ con mắt cũng không thấy nhãn mác, địa chỉ sản xuất. Hỏi người bán thì được giải thích: Đây là hàng nhập từ mối quen biết ở Vinh, cũng chẳng biết cơ sở nào sản xuất. Những thứ dép này buôn về còn bán được, chứ nhập hàng dép tông Lào, tông Thái “xịn” bốn năm chục ngàn/đôi ít người mua lắm, bởi ở đây toàn nông dân, làm gì có nhiều tiền mà mua!

Không chỉ những ngành hàng doanh nghiệp trong nước sản xuất được mà ngay cả các loại gia vị như gừng, tỏi, hành… cũng nhan nhản hàng nhập lậu. Đáng lo ngại nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn. Dừng chân tại một cửa hàng bán nước mắm tại chợ Khe Bố (huyện Tương Dương), thấy chị bán hàng xách một can nước mắm 20lít không nhãn mác ngang nhiên đổ ra đóng vào chai tái sử dụng nước mắm Nam Ngư để bày bán. Hay nhìn thấy đám trẻ con hớn hở mua những viên kẹo, lon nước ngọt đủ các màu nhưng không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng được bán với giá 1.000-2.000 đồng/lon rồi uống một cách say mê. Nhiều sản phẩm được làm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như dầu gội đầu Sunsilk (bị nhái thành Sunsilek), nước rửa chén bát Sunlight (cũng bị nhái thành Sunlighter)…

Theo ông Hồ Xuân Dinh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Sở Công Thương): Nguyên nhân hàng lậu, hàng giả tràn ngập thị trường nông thôn là do quy mô kinh doanh ở đây nhỏ lẻ, trong khi lực lượng chức năng lại thiếu nhân lực. Điều này dẫn đến việc thanh, kiểm tra của các ngành chức năng mới chỉ tập trung ở các cửa hàng, đại lý lớn, còn ở các chợ quê, việc này gần như bỏ trống. Chính vì thế mà nhiều mặt hàng không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện hầu hết trên địa bàn.

Mặt khác việc áp dụng các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu huỷ hàng, xử phạt hành chính mang nặng tính răn đe nên chưa có tác dụng thiết thực trong việc hạn chế tình trạng vận chuyển tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở vùng nông thôn chưa có thói quen tố giác khi mua phải hàng giả, hàng nhái nên hầu hết các trường hợp đều bỏ qua. “Nhiều khi những đồ quá đát, họ ướp lại bằng hàn the hay gì đó cho tươi lại, mình không biết, ăn nhầm vào, nếu có chuyện gì cũng không thể thưa kiện được. Hay như khi làm nhà, mua phải bao xi măng giả, xây xong nhà rồi, thấy sụt lún, nứt tường mới biết đó là hàng giả, lúc ấy biết kiện ai, kiện thế nào? Chờ được vạ thì má đã sưng mất rồi”, ông Dinh dẫn dụ.

Để vùng nông thôn không còn là “túi” tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là những điểm phát tích luồng hàng lớn, tránh tình trạng chỉ kiểm tra bề nổi mà không có chiều sâu, đồng thời tăng chế tài xử phạt. Nắm bắt được tâm lý của người nông thôn là thích mua sản phẩm giá rẻ nhưng bền, các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá cũng cần linh hoạt hơn trong việc sản xuất những mặt hàng giá rẻ nhưng chất lượng cao. Các doanh nghiệp phải chủ động tìm cách đến với bà con nông dân theo phương châm “nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành để thu hút cảm tình của người tiêu dùng nông thôn”.

Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm hầu hết các doanh nghiệp cũng phải chú trọng xây dựng hệ thống phân phối tại địa phương. Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Công ty xây lắp và thương mại An Phú cho biết: Để xây dựng hệ thống phân phối tại địa bàn nông thôn, công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cửa hàng đại lý như có chính sách cho phép trả chậm, khi đưa ra sản phẩm mới công ty cử nhân viên xuống tận địa phương tư vấn, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng sau đó Công ty mới phân phối hàng thông qua các đại lý. Thế nhưng hơn ai hết, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, bảo vệ quyền lợi, bảo vệ đồng tiền của chính mình khi lựa chọn mỗi sản phẩm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực