Hàng Việt về Lạng Sơn

Thứ năm, 22/04/2010 15:39

                       Ảnh minh họa
Lạng Sơn được coi là “điểm nóng” mà từ lâu, hàng nhập nhiều dạng của Trung Quốc áp đảo. Nhìn thực tế thị trường, biết mạng lưới hàng Việt rất mỏng, người tiêu dùng quen xài hàng Tàu và doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng bám trụ nơi này… Trong 4 ngày, từ 22 đến 25-4, 30 doanh nghiệp hàng Việt sẽ có mặt tại Lạng Sơn để giới thiệu chất lượng hàng Việt với người tiêu dùng tại 2 huyện Bắc Sơn và Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn.

Tự tin vào chất lượng

“Thị trường Lạng Sơn vốn được xem là đất dụng võ của hàng Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ cam chịu”, giám đốc Công ty Mỹ Hảo nói thế và anh quyết mang hàng Việt Nam lội ngược dòng. Sau khi quan sát tại nhiều điểm bán sỉ tại Lạng Sơn và thấy rằng hàng Việt Nam có chất lượng tốt vẫn có khả năng trụ được tại đây. Và Mỹ Hảo đã làm được việc mà nhiều doanh nghiệp Việt muốn làm và đang quyết tâm làm - xuất ngược sản phẩm nước rửa chén, nước xả vải qua Trung Quốc. Lần này, cùng với việc mang hàng của mình đến Lạng Sơn, Mỹ Hảo còn tìm cách tổ chức lại mạng lưới phân phối để hàng của mình trụ được vùng biên giới này.

Giám đốc kinh doanh của Công ty nhôm Kim Hằng thì tự tin khẳng định: hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ không ngán hàng ngoại không nhãn mác hay hàng nhập có chất lượng thấp. Bởi hàng Trung Quốc cũng có nhiều loại, hàng “thật xịn” thì giá cũng không rẻ, do vậy doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn có mặt tại địa bàn nóng này, dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng ở đây.

Tại khu vực thương mại vùng biên này, hàng may mặc là mặt hàng bị cạnh tranh quyết liệt nhất. Mặc dù đang ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc nhưng các công ty kinh doanh hàng thời trang Việt Nam vẫn quyết mang sản phẩm của mình đi Lạng Sơn bởi đây là dịp để các thương hiệu dệt may tận mắt các khó khăn và cơ hội của mình ở thị trường này. Nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp hàng may mặc Việt và để tạo cơ hội cho hàng Việt, Vinatexmart sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động khuyến mãi.

Nhiều khó khăn trước mắt

Nhưng điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét là kênh phân phối hàng hóa của mình chưa thật tốt. Nhiều doanh nghiệp đã thừa nhận việc xây dựng kênh phân phối ở thị trường miền Bắc rất phức tạp dù chất lượng sản phẩm của mình tốt hơn hàng Trung Quốc.

Một thực tế mà các doanh nghiệp từng có mặt tại Lạng Sơn thừa nhận đó là sẽ rất tốn công, tốn tiền, tốn sức mà không chắc đạt được hiệu quả nếu chỉ có một mình một chợ tại đây. Việc tổ chức cho các doanh nghiệp Việt “ra quân đồng loạt” sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối đường dài, nhất là ở địa bàn trọng điểm của hàng Trung Quốc như Lạng Sơn.

Chiếm “trận địa” trong vài ngày thì dễ, nhưng để giữ trận địa cần sự kiên trì và có sự hợp lực, chung lưng. Và, với sự có mặt của 30 doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến đưa hàng Việt về Lạng Sơn của Trung tâm BSA lần này có nhiều điều để bàn.

Đầu tiên là phương thức tiếp cận thích hợp với người tiêu dùng. Mỗi doanh nghiệp lần này đến Lạng Sơn phải tự tìm ra được phương thức thích hợp để sản phẩm của mình gắn bó lâu dài với người tiêu dùng. Một điều quan trọng khác đó là tìm cho được nhà phân phối tốt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người miền Bắc. Thói quen kinh doanh của người dân hai miền Bắc, Nam khác nhau, đó cũng là điểm khó cho doanh nghiệp phía Nam. Doanh nghiệp phải nỗ lực làm thị trường, phải tìm đủ “chiêu” đủ cách thuyết phục nhà phân phối và đại lý để họ an tâm chấp nhận hợp tác, đưa hàng mình đi xa hơn.

“Hiểu được người tiêu dùng địa phương và hiểu luôn cả đặc điểm kinh doanh của từng vùng miền mới là điều cơ bản để doanh nghiệp trụ được lâu dài. Thắng - thua nhau là ở chỗ có kiên trì không?”, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp miền Bắc đã bộc bạch thế. Và như thế, kênh phân phối là điều mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn nữa để giữ thị phần mình có.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực