Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 03/07/2020 16:42
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Một hệ thống thủy lợi tại khu vực ĐBSCL. (Ảnh: K.V) 

Đề án được thực hiện với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn và nội tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh hưởng khốc liệt của mùa hạn, mặn năm 2019- 2020 vừa qua cho thấy các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần có sự đầu tư thỏa đáng cho hệ thống thủy lợi tại đây, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, trước mức độ ngày càng gay gắt của xâm nhập mặn.

Điều này cho thấy phải rà soát quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất; xây dựng đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái theo hướng đa dạng hóa nguồn lực và phương thức thực hiện, trong đó chú ý đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều. Bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới. Trước mắt phải thực hiện các giải pháp dẫn nước, trữ nước, củng cố bờ bao.

Để chủ động lấy nước, trữ nước, đề phòng nguồn nước thiếu hụt do xâm nhập mặn, cần tăng cường đắp đập tạm ngăn mặn tại các nhánh sông chưa có công trình điều tiết ngăn mặn, nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước. Thực tiễn đã chứng tỏ ở một số nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp này đã bảo đảm được nguồn nước tưới cho cả mùa khô. Hệ thống bờ bao cần được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm chống lũ.

Về lâu dài, cần tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, ngập lũ, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước. Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội. Phải có chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm nước; có các biện pháp hành chính, kinh tế nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đối với các tổ chức, cá nhân. Rà soát, đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn, phòng lũ./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực