Hiện tượng ngao chết hàng loạt ở Cát Hải (Hải Phòng): Cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng

Thứ bảy, 19/06/2010 00:57

(ĐCSVN) - Những ngày này, người dân ở xã Hiền Hào không biết vì sao những con ngao giống mình mới thả xuống vào vụ nuôi mới bỗng nhiên chết hàng loạt. Đến nay, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này vẫn đang được các cơ quan chức năng tìm hiểu…

Suốt một tháng qua, khắp dọc con đường từ đầu thôn tới cuối xóm trên địa bàn xã Hiền Hào, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng mọi người đều xôn xao về chuyện con ngao chết hàng loạt. Sau một vài vụ nuôi thả ngao thu lại nhiều lợi ích kinh tế, đây là lần đầu tiên những người nuôi ngao của địa phương phải đối mặt với hiện tượng này.


 Ông Vũ Văn Khải đang cùng vợ kè lại bờ bao để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ảnh: Quý Trọng

Những ngày giữa tháng 5, ông Vũ Văn Khải ra thăm bãi ngao rộng hơn 3 ha của nhà chợt nhận thấy có mùi là lạ. Sục tay xuống cát, ông vớt lên vài con bắt đầu có mùi tanh. Hoảng hồn, ông về gọi các con ra kiểm tra lại. Đúng là bãi ngao nhà ông bắt đầu có hiện tượng ngao chết. Ngày hôm sau, ngao chết nhiều hơn, nổi trắng mặt bãi. Chỉ sau một tuần, bãi ngao mà mấy tháng trước gia đình dồn góp tất cả tài sản, nhà cửa đi vay ngân hàng mua 11 tấn ngao giống, nay chẳng còn chút gì. Gia tài lớn nhất của gia đình ông là chiếc sổ đỏ quyền sở hữu ngôi nhà cũng đang được cầm cố ở ngân hàng để vay vốn nuôi ngao.

Buổi sớm, thủy triều rút, để lại bãi cát dài mênh mông tít từ Cồn Bình đến vụng Áng Bảy. Trên bãi ngao mênh mông, hoang vắng chỉ còn vài người còn cố nhặt nhạnh, vớt vát chút gì còn sót lại. “Còn gì đâu chú. Tất cả nằm ở đằng kia kìa”, ông lão Khải với đôi bàn tay bợt bạt ngâm nước từ sớm đến giờ thầm thì nói như cho riêng mình rồi đưa tay chỉ ra đống vỏ ngao trắng nằm ngay dưới bãi biển sát chân núi. Ngưng tay làm tiếp khách giây lát, ông quay ra giục vợ nhanh chóng bê túi cát để đắp, nắn dòng để rửa sạch những gì ô nhiễm còn sót lại. Ông bảo chỉ có hai vợ chồng có gan ra bãi ngao lúc này, mấy đứa con cùng chung góp vốn nuôi ngao với bố, đến giờ vẫn chưa hết sốc.

 
 Ngao chết được người dân vớt lên bờ. Ảnh: Quý Trọng

Dọc dãy núi chạy ôm lấy hòn đảo Cát Hải, cứ đi một đoạn lại thấy từng bãi, từng đống vỏ ngao chết được người dân vớt lên.

Hai người đàn bà đang cào ngao dưới bãi Áng Bảy. Người ôm cái rổ là bà Ngô Thị Thúy Vân, người nuôi ngao đầu tiên ở xã Hiền Hào. Mấy năm nuôi thử nghiệm, bà luôn trúng đậm, tiền lời hằng trăm triệu. Chẳng ngờ năm nay nuôi thật thì lại gặp họa.

Bà Vân lụi cụi lê bước chầm chậm theo sau chiếc cào cắm sâu trong bãi cát. Chốc chốc, bà cúi xuống đưa tay lượm vài con ngao còn sót lại vừa được lật lên. Mặt trời đứng bóng giữa bãi, đống ngao lượm từ sáng mới sấp sấp chiếc thúng nhỏ. “Chú xem, bãi ngao này tôi thả hơn chục tấn giống. Giờ đi lượm lặt từng con. Thôi thì gỡ gạc được chút nào hay chút nấy. Làm một, ra ba”. Gỡ chiếc mũ vải đội đầu, chẳng kịp vuốt những hạt mồ hôi chảy trên khuôn mặt rám nắng, bà nói như muốn khóc.



 Thu nhặt những con ngao còn sót lại. Ảnh: Quý Trọng

Trong vòng hơn chục ngày, toàn bộ bãi ngao có diện tích hơn 20 ha của xã Hiền Hào bị xóa sổ. Hai mươi sáu hộ nuôi ngao coi như bị mất trắng với số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Những cái tên như ông Thùy, bà Thủy, bà Hằng, ông Đông, anh Tạo, anh Hào…gắn liền với mỗi con số mất mát hàng chục tấn ngao sắp đến ngày thu hoạch lặn sâu dưới lớp cát kia.

Sau “hiện tượng” Hiền Hào, hàng loạt xã khác như Phù Long, Đồng Bài, Nghĩa Lộ, thị trấn Cát Hải cũng xảy ra hiện tượng ngao chết với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên đến trên một trăm ha. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cát Hải, thiệt hại về con ngao của một số xã trên địa bàn huyện lên đến 11,2 tỷ đồng.

Cùng tôi xuống thăm bãi ngao, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Hiền Hào rất tâm trạng: “Cho đến giờ chúng tôi cũng chưa thể kết luận và không biết nguyên nhân tại sao ngao chết, hiện giờ chúng tôi đã báo cáo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các anh ấy cũng đã xuống lấy mẫu để phân tích, việc còn lại là phải chờ ”.

Sau khi ngao có hiện tượng chết hàng loạt, chính quyền xã Hiền Hào đã báo cáo lên huyện. Ngay sau đó, cán bộ trạm khuyến ngư - nông nghiệp, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuống lấy mẫu bệnh phẩm. Hiện mẫu bệnh phẩm cũng đã được chuyển đến các Viện nghiên cứu thuỷ sản để phân tích, tìm hiểu.

Ông Vũ Hoài Nam, Phó phòng phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cát Hải cho biết: Phòng hiện cũng đang chờ câu trả lời, cũng như phương án xử lý tình trạng này từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng. Theo ông Nam, nguyên nhân gây nên hiện tượng ngao chết có nhiều, đó là do chất lượng con giống không qua kiểm dịch, mật độ thả quá dầy, thay đổi môi trường do khai thác cát tại Chương Cao, do nước thải từ cơ sở chế biến thủy sản gần đó, do virut…

 
 Nếu tìm ra nguyên nhân ngao chết,
người dân sẽ có cơ hội khôi phục lại nuôi trồng. Ảnh Quý Trọng


Nguyên nhân nhiều vậy nhưng để có câu trả lời chính xác thì đến lúc này Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa thể kết luận. Chính vì chưa tìm được nguyên do nên hiện tại việc khôi phục, phát triển lại diện tích ngao cũng dẫm chân tại chỗ. Sau khi có hiện tượng ngao chết hàng loạt, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải mới rà soát số hộ nuôi ngao trên địa bàn toàn huyện để có khuyến cáo và đề ra hướng xử lý nhằm hạn chết thiệt hại cho vụ mùa sau. Nhưng cái quan trọng nhất là các khoản nợ ngân hàng của các hộ dân nuôi ngao vẫn phải chờ có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nên cái chết của con ngao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có cơ sở để đề nghị UBND huyện yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ cho người dân.

Theo ông chủ tịch UBND xã Hiền Hoà Nguyễn Văn Tuấn, người dân ở đây đa phần là nghèo. Để có tiền nuôi ngao, hầu như mọi hộ dân đều mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay tiền. Nay, câu trả lời chưa có, những việc như làm việc với ngân hàng để tiến hành khoanh nợ hay cho vay tiền đều không thể làm được. Sau tai họa này, công tác an sinh xã hội trên địa bàn Cát Hải đang gặp nhiều trở ngại khi đa số hộ không có công việc gì khác ngoài nuôi ngao, hoặc nếu có cũng chỉ là làm nông nghiệp với diện tích ít ỏi, năng suất thấp. Điều cấp thiết nữa của bà con Cát Hải lúc này cần là sự trợ giúp về kỹ thuật của cơ quan chuyên môn trong quá trình tái sản xuất, tránh lặp lại thiệt hại, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Đó là những điều mà người dân đang chờ đợi./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực