Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Thứ tư, 04/09/2019 16:46
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đến nay, tỉnh này đã chuyển đổi được hơn 15.000 ha trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái, cây lâu năm và nuôi thủy sản.
Mô hình trồng cây ngắn ngày xen canh với cây ăn trái
đang được các hộ nông dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu mở rộng diện tích. (Ảnh: K.V)

Được biết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm hơn 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; trong đó gần 332ha được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, lạc…; hơn 37ha chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác.

Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như Xuyên Mộc, Tân Thành, Long Điền, Châu Đức… Cụ thể tại huyện Châu Đức, trong năm 2018 đã chuyển đổi thành công hơn 160ha chủ yếu là trên loại đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ngắn ngày và cây lâu năm, tập trung tại một số xã như Kim Long, Bình Trung, Bàu Chinh, Suối Rao, Suối Nghệ, Đá Bạc. Dự kiến đến năm 2020, huyện Châu Đức sẽ chuyển đổi thêm hơn 36ha trồng các loại sắn, ngô, mít Thái siêu sớm, mãng cầu, bưởi…

Theo ông Lê Quý Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay. Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho từng loại cây trồng chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, để việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đối với trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản...

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích nông dân sản xuất những sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển của tỉnh để dễ quản lý năng suất, chất lượng và đặc biệt là liên kết với thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá. Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành với diện tích 2.816 ha, tăng 9 cơ sở, và 1.769 ha so cùng kỳ năm 2018 trên các sản phẩm như rau các loại, dưa lưới, chuối, cây ăn quả, hoa, tiêu, khoai lang, nho ăn lá...

Trong đó có 2.750 ha đang sản xuất với sản lượng ước đạt khoảng 40.664 tấn/năm, tăng 31.242 tấn so cùng kỳ. Việc trồng trọt đã áp dụng các công nghệ điển hình như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân, hệ thống ròng rọc trong khâu vận chuyển sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm từ xa. Ngoài ra, Bà Rịa- Vũng Tàu còn có trên 7.450 ha cây lâu năm áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó có trên 880 ha áp dụng biện pháp tưới tự động kết hợp điều tiết dinh dưỡng giúp gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm nước, nhân công.

Hiện nay, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan hỗ trợ Công ty Harris Freeman Việt Nam mở rộng Dự án liên kết phát triển hồ tiêu bền vững với diện tích 135 ha. Hiện các doanh nghiệp và bà con nông dân đang thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, vật nuôi như: Hồ tiêu 1.452 ha, ngô 200 ha, chuối 136 ha, ca cao  125 ha, bưởi  12,9 ha tại huyện Châu Đức; nhãn  6 ha tại huyện Xuyên Mộc, lúa  20 ha tại huyện Long Điền và 10 ha tại huyện Đất Đỏ./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực