Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững

Thứ ba, 17/10/2017 09:04
(ĐCSVN) - Trong 15 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đã giúp nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Hồ Thị Phôn, ở thôn 4, xã Hồng Quảng (huyện A Lưới),

vay vốn từ Chi nhánh NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi

Theo Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế, trong 15 năm qua, thông qua nguồn vốn do đơn vị này giúp đỡ, đã có gần 264 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh được tạo việc làm mới; đáp ứng kịp thời cho trên 193 nghìn lượt hộ nghèo, 54 nghìn lượt hộ cận nghèo và trên 23 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống; gần 79 ngàn lượt hộ thuộc vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế.

Đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Phượng, tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là hội viên Hội phụ nữ xã Quảng Lợi từng được 3 lần vay vốn ưu đãi thoát nghèo thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chị vui vẻ nói: Với quyết tâm thoát nghèo năm 2008, thông qua Hội phụ nữ xã, vợ chồng tôi đã được vay 10 triệu đồng từ chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Điền để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Sau 2 năm kiên trì, chịu khó chăn nuôi, cuộc sống gia đình chị Phượng không những ổn định, tạo điều kiện nuôi 3 con nhỏ học hành mà còn trả hết nợ vốn vay.

Đến năm 2011, gia đình chị đã được vay thêm gần 10 triệu đồng để xây dựng căn nhà ở kiên cố. Có nhà rồi nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn do con cái ngày một lớn, năm 2015, thông qua Hội phụ nữ xã, gia đình chị tiếp tục được vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, làm thêm 1,5 mẫu ruộng. Hiện nay, công việc làm ăn ổn định, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn, thu nhập gia đình có phần tích lũy, vươn lên thoát khỏi hộ nghèo và chu cấp cho con gái đầu lòng đang học tại trường Đại học Kinh tế Huế.

Với vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ người nông dân, trong 15 năm qua, Hội Nông dân huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đứng ra tín chấp cho gần 20 nghìn lượt hộ nghèo là hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi chủ yếu vào phát triển nông nghiệp với lợi thế của địa bàn miền núi như chăn nuôi bò, trồng cao su, trồng rừng kinh tế, phát triển kinh tế vườn theo mô hình VAC-R và khôi phục ngành nghề truyền thống như dệt dèng, mây tre đan...

Bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tạo điều kiện cho huyện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các hộ nghèo mà từ nguồn vốn chính sách này đã tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo tự chủ trong sản xuất, xóa bỏ tính tự ti, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện, Hội nông dân huyện A Lưới đang quản lý 12 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ trên 103 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều hộ nghèo được vay vốn thông qua kênh của Hội từ 30 đến 50 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, cũng như huyện miền núi A Lưới, trong những năm qua, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, trên địa bàn huyện Nam Đông đã có hơn 15.000 lượt hộ cải thiện được đời sống, hơn 3.500 lượt hộ thoát nghèo nhờ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hơn 8.500 việc làm mới được tạo ra thông qua cho vay giải quyết việc làm và các chương trình tín dụng khác…

Từ những kết nêu trên cho thấy, qua nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ gia đình ở vùng khó khăn có điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho huyện đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Nam Đông đã có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang nỗ lực phấn đấu là huyện đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Theo Chi nhành NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 6/2017, nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng này đạt 2.316,6 tỷ đồng, tăng 8,9 lần so với năm 2002. Nguồn vốn tín dụng đều tăng trưởng hàng năm, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và cận nghèo cho phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và học tập.

Từ nguồn vốn kể trên đã giúp cho gần 62 nghìn lượt hộ thoát nghèo, hơn 27 nghìn hộ thoát cận nghèo và trên 48 nghìn hộ gia đình cải thiện đời sống, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 21,7% (năm 2005) giảm xuống còn 7% (năm 2010) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2005 - 2010 và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,3% xuống còn 7,17% (cuối năm 2016) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Thời gian tới, bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; phấn đấu cùng toàn tỉnh đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020); tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư để giải quyết việc làm cho 2.600 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, trong đó có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, người dân tộc thiểu số và thân nhân người có công với cách mạng…

Ông Trương Công Lân, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên, thời gian tới, Chi nhánh tập trung phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác tích cực huy động các nguồn vốn để cho vay; ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho chương trình giải quyết việc làm gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM...theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả./.

 

 

 

 

 

Bài, ảnh: Phạm Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực