Hiệu quả từ phát triển các mô hình hợp tác xã thủy sản

Thứ ba, 28/02/2017 09:08
(ĐCSVN) - Là một trong những địa phương thuộc vùng trũng của Bắc Ninh, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng ở huyện Lương Tài đã có những bước phát triển mạnh nhờ phát huy tốt vai trò của các mô hình hợp tác xã (HTX) thủy sản…

Thu hoạch cá ở thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: QĐ

Một ngày đầu năm 2017, có mặt tại HTX thủy sản Phú Thọ (thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài), chúng tôi cảm nhận rõ không khí sản xuất khẩn trương của các thành viên HTX chuẩn bị cho đợt thu hoạch mới. Xuất phát từ những biến động của thị trường và nhu cầu liên kết của những người nuôi cá trong thôn Phú Thọ, năm 2010, HTX thủy sản Phú Thọ được thành lập trên cơ sở sự tham gia của hơn 20 thành viên. Với mục tiêu ban đầu như chia sẻ của ông Đinh Viết Huy, Chủ nhiệm HTX là “hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất”, đến nay, với cách làm hiệu quả, HTX thủy sản Phú Thọ đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất với hiệu quả kinh tế mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hiệu quả hoạt động của HTX thủy sản Phú Thọ đã được khẳng định rõ trong thực tiễn thông qua việc hướng vào nâng cao thu nhập của các thành viên. Không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả cá từ việc lựa chọn, ươm cá giống; mật độ thả; vệ sinh ao nuôi… đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, các thành viên trong HTX còn thường xuyên tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã chuyển biến tích cực. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả.

Cùng với đó, với tư cách là đại diện tập thể xã viên, HTX thủy sản Phú Thọ còn đứng ra đóng vai trò “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, HTX cũng vừa chủ động nguồn cung con giống vừa bảo đảm cung cấp thức ăn công nghiệp cho các thành viên. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm HTX đã bảo đảm khoảng 100 triệu con cá giống các loại phục vụ cho nhu cầu nuôi thả cá trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2014, HTX thủy sản Phú Thọ đã mạnh dạn đầu tư mở đại lý thức ăn thủy sản, qua đó giúp giảm chi phí thức ăn cho người nuôi cá từ 12 - 17%...

Không chỉ ở thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, mô hình HTX thuỷ sản còn được phát triển ở nhiều địa phương khác trong huyện Lương Tài qua đó góp phần quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho người lao động. Đến cuối năm 2016, theo thống kê, trên địa bàn huyện Lương Tài đã có 7 mô hình HTX thủy sản với sự tham gia của hàng trăm thành viên. Trong đó, nhiều HTX đã khẳng định được vai trò quan trọng, giúp người nuôi thủy sản yên tâm gắn bó với nghề như: HTX nuôi cá Bình Minh (xã Trừng Xá), HTX thủy sản An Trụ (xã An Thịnh), HTX thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú)… Riêng HTX thủy sản Phú Thọ, bình quân doanh thu hàng năm của các thành viên đạt khoảng 300 triệu đồng/năm; đặc biệt, nhiều hộ đạt tới 700 - 800 triệu đồng/năm như các hộ anh Ngô Xuân Trường, ông Đinh Viết Huy…

Vừa cùng chúng tôi đi tham quan diện tích ao nuôi rộng hơn 2 mẫu của gia đình, anh Nguyễn Văn Hà, thành viên HTX thuỷ sản An Trụ, xã An Thịnh vừa vui vẻ chia sẻ: “Gắn bó với nghề nuôi cá từ khá lâu nhưng phải từ sau khi tham gia HTX thuỷ sản thì gia đình tôi mới thực sự yên tâm đầu tư. Được sự hỗ trợ của HTX về cả kỹ thuật, giống, vốn, thức ăn trả chậm… nên năm qua gia đình tôi đã thu lãi hơn 300 triệu đồng từ tiền xuất bán cá các loại”.

Ông Ngô Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh cho biết: Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, đến nay nhìn chung các mô hình HTX đã trực tiếp thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thủy sản ở Lương Tài phát triển theo hướng hiệu quả bền vững; là nhân tố cơ bản giúp nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập của người sản xuất.

Theo ông Phạm Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Tài, thời gian qua, các mô hình HTX thuỷ sản trên địa bàn đã có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc chuyển đổi ruộng trũng, cải tạo ao hồ mặt nước gắn với phát triển thuỷ sản theo hướng thâm canh, chuyên canh. Tính đến cuối năm 2016, huyện Lương Tài đã có gần 1.400 ha nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa; giá trị kinh tế từ thuỷ sản đạt trên 500 tỷ đồng/năm.

Tuy đã từng bước khẳng định rõ hiệu quả trong thực tiễn song đến nay, các mô hình HTX thuỷ sản trên địa bàn huyện Lương Tài vẫn đang gặp những khó khăn nhất định như việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng đầu tư (do không có tài sản thế chấp); việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; việc tìm thị trường đầu ra ổn định cho các mặt hàng thuỷ sản… Chính những vấn đề này đã và đang hạn chế hiệu quả hoạt động chăn nuôi thủy sản ở Lương Tài.

Được biết, trong thời gian tới, để các mô hình HTX thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, chính quyền các cấp sẽ tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với tinh thần “chung tay cùng người nông dân khởi nghiệp”. Có như vậy, các HTX thủy sản ở Lương Tài mới thực sự là “hạt nhân” để tập hợp các hộ nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng trũng và tăng thu nhập cho người sản xuất./.

Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực