Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Thứ tư, 07/06/2017 21:04
(ĐCSVN) - Ngày 7/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.


Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng đàn lợn năm 2016 đã đạt trên 29,07 triệu con, tăng gần 1,33 triệu con so với năm 2015. Riêng đàn lợn thịt đạt 24,76 triệu con (chiếm 85,18% tổng đàn), tăng 1,14 triệu con. Về chăn nuôi gà, tổng đàn gia cầm cả nước năm 2016 đạt 361,721 triệu con, tăng 19,814 triệu con so với năm 2015. Trong đó, đàn gà đạt trên 277,189 triệu con, tăng gần 17,894 triệu con; trứng gà đạt trên 5 tỷ quả, trứng vịt đạt gần 4 tỷ quả.

Về tình hình xuất khẩu, hiện nay đã và đang xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia. Cả nước có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hồng Kông và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn (trị giá khoảng 100 triệu đô la Mỹ). Riêng 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10,6 nghìn tấn (trị giá khoảng 46 triệu đô la Mỹ). Trong nhiều năm qua, sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng xuất khẩu sang các nước bị trả về.

Với xuất khẩu sản phẩm thịt gà, chỉ sản xuất và tiêu thụ ở trong nước; chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu. Hiện nay, mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản. Riêng về sản phẩm trứng gia cầm, hiện tại có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu (trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo,...) sang một số thị trường như: Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản.

Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Thú y, hiện nay, vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung cũng như chưa hình thành được các chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm xuất khẩu, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 2/2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lợn tại Thái Bình, Nam Định, tuy nhiên, các địa phương, cơ sở chăn nuôi không có kinh phí để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Một số mầm bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng còn lưu hành nhiều trong đàn vật nuôi và môi trường, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ và ảnh hưởng đến việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xuất khẩu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm tăng cường công tác an toàn thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Trong đó, đối với lợn sống, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất lợn sữa, lợn thịt theo chuỗi khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm để xuất khẩu) bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Cần chủ động phối hợp với Cục Thú y tìm kiếm khách hàng nhập khẩu sản phẩm; cơ quan quản lý chuyên môn sẽ hướng dẫn cụ thể về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với từng loại sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với thịt lợn đã và đang xuất khẩu chính ngạch sang các nước, hiện tại, Cục Thú y đang tiếp tục tăng cường giám sát về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững uy tín. Đồng thời tích cực, chủ động đàm phán để mở rộng số lượng nhà máy được phép xuất khẩu sang Malaysia. Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức chế biến sâu sản phẩm thịt lợn nhằm tăng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu. Đối với sản phẩm thịt gà cũng tương tự, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng theo các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến hệ thống giết mổ, bảo quản,…đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về lâu dài, các đại biểu cho rằng, cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn và gia cầm. Tăng cường đầu tư năng lực cho ngành thú y (ở trung ương và địa phương), cấp đủ kinh phí để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) như: lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm,…Qua đó, mới có thể xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước theo đúng quy định của quốc tế./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực