Hòa Bình: Chuyển tích cực theo hướng phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ năm, 06/08/2020 10:11
(ĐCSVN) – Là tỉnh miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, những năm qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có những bước chuyển tích cực theo hướng hiệu quả, bền vững.

Bám sát đặc điểm địa bàn, với quyết tâm đi lên từ chính tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngày 25/7/2017 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nghị quyết này, song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt các dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển chăn nuôi… Công tác đảm bảo giống vật nuôi và bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Hình thức chăn nuôi trang trại gắn với các biện pháp an toàn sinh học quy mô vừa và nhỏ cũng được từng bước nhân rộng đã góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng giá trị kinh tế của đàn vật nuôi.

Anh Bùi Văn Mạnh, một chủ trại nuôi trâu, bò sinh sản ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) chia sẻ, trước đây gia đình tôi cũng nuôi nhưng hiệu quả không cao do quy mô nhỏ lẻ, vật nuôi hay bị bệnh. Mấy năm trở lại đây, nhờ được Phòng Nông nghiệp huyện quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và được hỗ trợ vốn vay ưu đãi nên việc chăn nuôi của gia đình tôi đã có được hiệu quả hơn hẳn so với trước. Từ đầu năm đến nay, tôi cũng thu được hơn 140 triệu đồng từ tiền  bán trâu, bò thịt.

Tìm hiểu được biết, thành công lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đó là đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô nhỏ lẻ, để phục vụ nhu cầu gia đình là chính thì hiện nay, việc chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã phát triển mạnh hơn. Các loại gia súc, gia cầm được đưa vào chăn nuôi ngày một phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Điển hình nhất là hoạt động chăn nuôi trâu, bò. Đến thăm trại nuôi trâu, bò của vợ chồng chị Hồ Thị Kiều ở xóm Gò Chè, xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước chu trình khép kín của mô hình này. Sau khi tham khảo một số mô hình, vợ chồng chị Kiều mạnh dạn đầu tư chuồng trại khép kín chuyển sang nuôi trâu, bò vỗ béo với tổng diện tích hơn 9.000 m2 đất. Nuôi trâu, bò vỗ béo nên 3 tháng gia đình xuất 1 một lứa, trâu chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, còn bò xuất lẻ cho các tư thương, các lò mổ ở địa phương và các tỉnh lân cận. Năm đầu thí điểm, gia đình chị Kiều thu lãi khoảng 380 triệu đồng. Hiện, trang trại của gia đình chị nuôi 120 con trâu, bò với 5 – 6 lao động là người địa phương. Bình quân mỗi năm, trang trại nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại cho vợ chồng chị khoảng gần 1 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Một góc trang trại của chị Hồ Thị Kiều. (Ảnh: Lam Nguyệt) 

Trang trại của vợ chồng chị Hồ Thị Kiều chỉ là một trong số hàng trăm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo thống kê, đến giữa năm 2020 tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 115.695 con vượt 5,18%% so với mục tiêu đề ra trong nghị quyết; tổng đàn bò bò 84.275 con vượt 5,34 % so mục tiêu; tổng đàn gia cầm 7.655.483 con vượt 9,36% so mục tiêu; tổng đàn dê 51.285 con vượt 28,21% so với mục tiêu; tổng số trang trại chăn nuôi lợn tăng 20,6% so với trước khi triển khai Nghị quyết, tổng số lợn nái tăng 60,5%, tổng số lợn thịt và hậu bị tăng 74,9%.

Hòa Bình cũng đã triển khai một số mô hình sử dụng các loại giống bò đực lai Sind và lai Zebu để cho phối giống trực tiếp; bước đầu sử dụng tinh cọng rạ các giống bò Brahman, BBB, Red Sindhi, HF để thụ tinh nhân tạo, cải tạo giống, gắn với sử dụng quy trình vỗ béo có sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tinh bổ sung. Các giống bò năng suất cao tiếp tục được đưa vào địa bàn nuôi thử nghiệm, đánh giá đạt được kết quả tốt, hướng tới nhân rộng đưa vào sản xuất đại trà (bò BBB tại huyện Lạc Thủy).

Trên cơ sở điều kiện cụ thể của các địa phương, Hòa Bình cũng đã từng bước phát  triển chăn nuôi gắn với các vật nuôi thế mạnh cảu các huyện, thành phố. Cụ thể, chăn nuôi lợn bản địa tập trung tại huyện Đà Bắc, một số trang trại tại thành phố Hòa Bình và một số xã vùng cao của huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn. Gà công nghiệp chăn nuôi tập trung trong các trang trại tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn. Gà thả vườn (đồi) đang tập trung phát triển, tăng quy mô đàn các giống gà địa phương tại huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn...

Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu với Sở và UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Trong đó, trọng tâm là phát triển các loại vật nuôi gắn với thế mạnh của địa phương như trâu, bò, dê, lợn... Vừa bảo đảm tốt chất lượng nguồn con giống, phòng bệnh vừa tăng cường kết nối đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Thực tế cho thấy, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Hòa Bình đã và đang là hướng đi hiệu quả trong khai thác, phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương; đồng thời giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực