Hoàn thành hai dự án hỗ trợ người dân khắc phục sau bão tại miền Trung Việt Nam

Thứ tư, 16/06/2010 22:22

(ĐCSVN) – Tại buổi họp báo sáng ngày 16/6, tại trụ sở TƯ Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, Ban tổ chức đã thông tin: từ tháng 12/2009, có hai dự án hỗ trợ người dân khắc phục sau cơn bão Ketsana và Mirinae ở miền Trung Việt Nam đã được triển khai đến thời điểm này đã kết thúc và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Theo đó, một dự án do Hội CTĐ Việt Nam hợp tác với Hội CTĐ Đức và Hội CTĐ Hà Lan thực hiện và một dự án do Hội CTĐ Việt Nam hợp tác với Hội CTĐ Pháp thực hiện. Cả hai dự án đều do Cơ quan Viện trợ Nhân đạo của Ủy ban Châu Âu (ECHO) tài trợ.

Phong trào CTĐ là một chủ thể quan trọng trong các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ khắc phục và giảm các nguy cơ thiên tai ở Việt Nam. Các tổ chức CTĐ các quốc gia như CTĐ Pháp, Đức và Hà Lan đã hợp tác chặt chẽ với CTĐ Việt Nam. Trong cả hai dự án này Phong trào CTĐ đã hỗ trợ được 39.800 hộ gia đình ở các vùng sâu vùng xa bị ảnh hưởng bởi cơn bão Ketsana và Mirinae ở Việt Nam vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2009.

Khắc phục hậu quả bão số 9 (Ketsana) tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế

Hội CTĐ Việt Nam đã cùng với CTĐ Đức và Hà Lan hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Ketsana ở 3 tỉnh Quảng Bình (huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy và Tuyên Hóa), Quảng Trị (huyện Triệu Phong và Dakrong) và Thừa Thiên Huế (Huyện Phú Lộc và Huyện Nam Đông) từ 15/01 cho đến 15/06/2010. Dự án này được Cơ quan Viện trợ nhân đạo của Ủy ban Châu Âu (ECHO) tài trợ với tổng ngân sách 550.000 Euro. Các hoạt động chính gồm cấp phát gạo, thóc giống, phân bón, bình lọc nước và tiền mặt cho khoảng 11.160 hộ gia đình.

Dự án đã hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão và bị mất nguồn lương thực, hoa màu, gia súc, gia cầm hoặc các nguồn thu nhập khác, các hộ gia đình khó khăn như hộ nghèo hoặc cận nghèo, hộ có phụ nữ là chủ hộ và hoặc hộ có người bị khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới năm tuổi.

Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2010, dự án đã cấp phát 671 tấn gạo chất lượng cao. Đây là thời điểm giáp hạt nên số gạo này là một sự hỗ trợ quan trọng cho 6.984 hộ gia đình. Dự án cũng phối hợp với các phòng nông nghiệp hỗ trợ phân bón và thóc giống giúp khôi phục sản xuất cho 3.147 hộ ở các huyện miền núi như Nam Đông, Dakrong và Tuyên Hóa. Tất cả các hộ này cũng được dự án tập huấn về kỹ thuật trồng trọt. Tổng số 2.929 hộ gia đình không có nguồn nước sạch đã được nhận bình lọc nước; 2.182 hộ được nhận tiền mặt với tổng giá trị 82.000 Euro ở các huyện đồng bằng Phú Lộc, Lệ Thủy, Quảng Trạch và Triệu Phong để khắc phục hậu quả bão lũ.

Việc cấp phát tiền mặt được người dân ủng hộ vì cho rằng đây là một cách thành công để khôi phục sau bão vì người dân có thể sử dụng tiền phục vụ nhu cầu cụ thể của từng hộ gia đình. Đa số người dân dùng tiền để mua mới vật nuôi như heo, gà, vịt, mua phân bón, thóc giống, lương thực hoặc sửa nhà.

Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra với sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, ngành nông nghiệp và các cơ quan hữu quan khác.

Khắc phục hậu quả bão số 11 (Mirinae) tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai

Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2009, Hội CTĐ Việt Nam cùng với Hội CTĐ Pháp đã thực hiện một chương trình cứu trợ khẩn cấp: cấp phát 1.060 tấn gạo, 5.000 thùng dụng cụ gia đình và 8.000 tấm bạt trong 3 tháng ngay sau cơn bão Ketsana.

Sau khi thực hiện hành công chương trình này, Hội CTĐ Pháp và Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho những người dân bị ảnh hưởng bởi hai cơn bão Ketsana và Mirinae. Do đó, một dự án cứu trợ thứ hai tiếp tục được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2010 nhằm hỗ trợ thêm cho những cộng đồng dễ bị tổn thương bị thiệt hại do lũ quét, lở đất và gió lốc trong cơn bão Ketsana và Mirinae.

Dự án thứ hai này do Cơ quan Viện trợ nhân đạo của Ủy ban Châu Âu tài trợ với tổng ngân sách là 900.000 Euro.

Dự án đã cấp phát 1.003 tấn gạo ở Kon Tum (huyện Đắk Tô, Đắk Glei và Kon Rẩy), Gia Lai (huyện Chư Prông và K’Bang), Bình Định (huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước và An Nhơn), Phú Yên (huyện Đồng Xuân, Tuy An, và Đông Hòa) và Quảng Ngãi (Đức Phổ, Minh Long và Nghĩa Hành) trước và sau Tết cho 13.035 hộ gia đình cần cứu trợ lương thực khẩn cấp. Dự án cũng đã hỗ trợ 4.000 thùng dụng cụ gia đình và 4.000 tấm bạt cho 8.000 hộ gia đình có nhà bị ảnh hưởng trong cơn bão.

Hội CTĐ Pháp và Hội CTĐ Việt Nam cũng đã hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp với việc cấp phát 100 tấn thóc giống; 176 tấn phân bón và 200 con bò cho 7.662 hộ gia đình bị mất hoa màu hay gia súc trong thiên tai.

Nhờ quá trình hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Hội CTĐ Việt Nam và Hội CTĐ Pháp trong công tác cứu trợ khẩn cấp, các hoạt động cấp phát đã diễn ra nhanh chóng và hiệu quả đảm bảo hàng cứu trợ đến tay người dân khi cần.

Những hoạt động cứu trợ này nằm trong khuôn khổ của một dự án cấp vùng nhằm hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Ketsana và Mirinae ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở cả 3 nước, Hội CTĐ Pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Hội CTĐ: Việt Nam, Lào và Campuchia để cung cấp lương thực, hỗ trợ khôi phục đời sống, các hàng hóa cứu trợ và tiến hành các hoạt động vệ sinh nguồn nước và giảm các nguy cơ thiên tai tại cộng đồng.

Trong những tháng tới và nhằm chuẩn bị đối phó với những thảm họa trong tương lai, Hội CTĐ Pháp và Hội CTĐ Việt Nam sẽ tập trung vào việc đánh giá các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đã được thực hiện trong năm 2009 và 2010 nhằm nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và sự kịp thời trong việc hỗ trợ khẩn cấp cho những người dân dễ bị tổn thương ở Việt Nam./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực