Hướng tới một hệ thống thuế công bằng

Thứ tư, 13/11/2019 19:24
(ĐCSVN) - Để hướng tới một hệ thống thuế công bằng, Việt Nam cần quan tâm đầy đủ hơn đến việc phân tích hiệu quả chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại diễn đàn Chính sách tài khóa và phát triển 2019 với chủ đề: “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng" do Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) tổ chức hôm nay (13/11) tại Hà Nội.

Hình ảnh tại diễn đàn (Ảnh: M.P)

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS  Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, một hệ thống thuế hoạt động hiệu quả và chi tiêu công phù hợp cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục là nền tảng cho việc thu hẹp bất bình đẳng và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy việc thiết kế các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về kinh tế mà còn có cả ý nghĩa về chính trị.

Ông Thành nhận định, mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, nhưng thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. 

Theo ông Johan Langerock chuyên gia thuế, Tổ chức Oxfam đánh giá, năm 2018, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm với 7,1% và động lực mạnh mẽ này dự kiến sẽ được tiếp tục trong năm 2019 (IMF 2019). Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, thường xuyên thiếu hụt lương thực, đã trở thành một nền kinh tế với mức thu nhập trung bình thấp, đồng thời là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy hải sản, cà phê và các loại hàng hóa khác. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% vào những năm đầu thập kỉ 90 xuống còn dưới 10% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018. “Những thành tựu trên đây là vô cùng ấn tượng” - ông Johan Langerock  nhận định. 

Tuy nhiên, ông Johan Langerock cũng cho rằng các số liệu hiện đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Trên thực tế, trong những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của quốc gia.

Ông Johan Langerock lý giải, lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế vẫn duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo ông Johan Langerock , Việt Nam cần tiến hành rà soát loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Cùng với đó, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, ưu đãi thuế đem lại những hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư. Ông Phụng chỉ ra, nếu 10-20 năm trước không có ưu đãi thuế thì có thu hút được những doanh nghiệp vào Việt Nam hay không? Ví dụ Samsung hiện chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, thu hút hàng trăm nghìn lao động, ưu đãi dành cho họ là thuế suất 10% trong 15 năm và kéo dài thêm 15 năm. Nếu không có những ưu đãi này thì liệu có những con số trên không, có Samsung không?. 

“Điều quan trọng là phải giành quyền thu thuế đối với các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam mà không đóng thuế. Để làm được điều này, cần rà soát lại các hiệp định thuế và thay đổi thuật ngữ về cơ sở thường trú” ông Phụng nhấn mạnh.

Ông Phụng cũng cho biết thêm, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó yêu cầu phải rà soát ưu đãi thuế để minh bạch hóa, đơn giản hóa thuế. Vừa qua Luật quản lý thuế sửa đổi có quy định yêu cầu các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam phải trực tiếp hoặc uỷ nhiệm cho người khác khai thuế. Hiện, Tổng cục Thuế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai và làm chặt vấn đề này./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực