Hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa Doanh nghiệp gia đình

Thứ bảy, 24/06/2017 21:01
(ĐCSVN) – Nhân Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Hội đồng Doanh nhân & Gia đình Việt Nam, ngày 24/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình phối hợp tổ chức Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa Doanh nghiệp gia đình”.

Hội thảo hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình. (Ảnh: K.D)

Xoay quanh chủ đề của hội thảo, chuyên gia tư vấn ông Hoàng Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng việc kế nhiệm, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các Doanh nghiệp gia đình (DNGĐ). Theo ông Hoàng Đức Hùng, dù định hướng cho con cái từ rất sớm thông qua định hướng nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến nhưng phần lớn các DNGĐ Việt Nam đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ 2. "Thách thức này sẽ ngày một lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa các DNGĐ ngay từ bây giờ".

Ông Hùng cho biết, các thế hệ kế thừa thường có tư duy cải tiến doanh nghiệp sau khi được kế thừa, trong đó "69% được hỏi cho biết sẽ tuyển dụng những nhân sự chuyên nghiệp từ bên ngoài để đem lại sự hiện đại và chuyên nghiệp hóa cho doanh nghiệp, ngoài ra 60% lựa chọn việc mở rộng thị trường ở khu vực địa lý mới, và chỉ 47% đồng ý triển khai các dự án kinh doanh mạo hiểm song song với các hoạt động chính của doanh nghiệp".

Theo ông Hùng, với sự thay đổi và ảnh hưởng của công nghệ số, hầu hết các DNGĐ đều bị cảm tính cho rằng doanh nghiệp mình không bị tác động nghiêm tọng từ ảnh hưởng của công nghệ số. Chỉ có 47% các DNGĐ đã bàn bạc ở cấp hội đồng quản trị (HĐQT) về các mối đe dọa liên quan đến ảnh hưởng của công nghệ số.

Làm thế nào để thế hệ kế thừa có thể tiếp nối thành công?

Để hỗ trợ thế hệ kế thừa, ông Hùng cho biết, các thế hệ đương nhiệm cần thấu hiểu khi nào và chỗ nào nên can thiệp giúp đỡ thế hệ kế thừa. Trong vấn đề này, ranh giới giữa "tham gia để giúp đỡ" và "không chịu từ bỏ là rất mong manh. Các thế hệ kế thừa cần được sự cho phép để gây dựng những dấu ấn của riêng mình và được tạo cơ hội để triển khai những dự án kinh doanh mạo hiểm bên cạnh việc điều hành những hoạt động cốt lõi của DNGĐ. Bên cạnh đó, đồng thời lên kế hoạch bắt đầu từ việc lên kế hoạch phát triển sự nghiệp chi tiết để thế hệ kế thừa có thể tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng đa dạng.

Chia sẻ về vấn này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Thực tiễn cũng chưa có nghiên cứu nào chứng mình DNGĐ tốt hơn doanh nghiệp quản trị chuyên nghiệp. Nhưng khi bàn về quản trị trong DNGĐ, ông nhận thấy vừa có lợi ích để phát huy và có cả những đe doạ về phát triển lâu dài. Trước hết, sự tin tưởng là lợi ích đầu tiên của DNGĐ, sự tin tưởng này cho phép giảm chi phí giao dịch và ra quyết định nhanh hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những sự đe doạ khiến ông lo ngại về khủng hoảng quản trị DNGĐ. Cụ thể, là vấn đề quản trị DNGĐ không tốt gây mâu thuẫn. Ví dụ gần đây có sự việc của một thương hiệu cà phê phát triển rất tốt, khi không thiết lập được quản trị chuyên nghiệp dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, kéo đến mâu thuẫn trong công ty nên khi xảy ra mẫu thuẫn các doanh nghiệp cùng hệ thống ngừng cung cấp sản phẩm cho nhau.

Trường hợp này, nếu chúng ta thực hiện được quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp sẽ tách bạch được sở hữu và điều hành doanh nghiệp, sẽ không còn tình trạng mâu thuẫn gia đình dẫn đến mẫu thuẫn trong doanh nghiệp – ông Hiếu chia sẻ. 

Chia sẻ một vấn đề được khá nhiều người quan tâm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho hay, khi trao đổi với các DNGĐ ở Việt Nam, bà nhận thấy các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam thường không có sự tách bạch rõ ràng giữa vấn đề gia đình và vấn đề kinh doanh. Khi nói đến vấn đề kinh doanh, chúng ta thường đưa vấn đề gia đình vào và ngược lại. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải tách bạch thành 2 vấn đề riêng biệt.

Theo bà Vân, trên thế giới, cũng có doanh nghiệp gặp trường hợp như chúng ta nhưng không nhiều. Hơn nữa, họ có bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Điều này sẽ giúp đảm bảo là những người tham gia điều hành hay không tham gia điều hành.

Ở các nước trên thế giới, các thế hệ doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn, rộng. Vấn đề thừa kế cũng được chỉ định rất rõ ràng. Trẻ con khi mới ra đời đã biết được quyền thừa kế của mình, khi đạt đến độ tuổi nào họ sẽ tham gia điều hành doanh nghiệp. Trong trường hợp không tham gia điều hành, họ vẫn có quyền thừa hưởng lợi ích mà DNGĐ của họ đã gây dựng.

Thế nhưng ở Việt Nam, DNGĐ lại thường không coi trọng vấn đề pháp lý. Doanh nghiệp của mình làm chủ, điều hành nhưng có khi lại nhờ cô, dì, chú, bác đứng tên doanh nghiệp. Khi phát sinh tranh chấp, bất đồng hay người chủ doanh nghiệp thực sự bị đột quỵ, họ có thể bị mất toàn bộ tài sản bởi trên giấy tờ, doanh nghiệp của họ lại đứng tên người khác.

Từ những vấn đề được đưa ra bàn thảo, để thế hệ kế thừa tiếp nối thành công, ông Hùng đã “đúc kết”  một số quy tắc dành cho thế hệ kế thừa có tham vọng đó là: Nên tích lũy kinh nghiệm bên ngoài trước; Chỉ đảm nhận vai trò phù hợp với mình; Nhận thức rõ hành vi; Không tạo áp lực cho chính mình; Yêu cầu được đánh giá hợp lý; Quản lý sự thay đổi một cách cẩn trọng; Truyền đạt, giao tiếp, truyền thông; Đảm bảo kế thừa là một quá trình …/.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực