IPAF 2018: Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á

Thứ năm, 15/11/2018 21:07
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính- ngân hàng, đồng thời góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước .
 

Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4
(Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tại phiên toàn thể Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” được tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội. Hội nghị do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, để góp phần củng cố nền an ninh tài chính quốc gia, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Về cơ chế, chính sách, cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, trong đó có mua bán nợ xấu như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Phá sản năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015,…

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành các nghị quyết, nghị định để hỗ trợ, tăng cường công tác xử lý nợ xấu như: Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị định số 69 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Về công cụ xử lý nợ ở Việt Nam, 2 đơn vị là Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thời gian qua đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ.

Trước đó, chiều 14/11, Hội nghị thường niên của Diễn đàn IPAF 2018 cũng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại sự kiện này, các thành viên Diễn đàn và Ban Thư ký IPAF đã báo cáo kết quả hoạt động trong năm vừa qua, thống nhất nội dung chương trình nghị sự của Hội thảo quốc tế và đưa ra tuyên bố chung cho hoạt động của IPAF trong nhiệm kỳ mới. Hội nghị cũng đã thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tại phiên toàn thể hôm nay, đại diện thành viên mới, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho rằng, việc chính thức trở thành thành viên của IPAF là một vinh dự nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn đối với VAMC.

Theo ông Đông, VAMC xác định mục tiêu hoạt động là trở thành trung tâm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua, bán nợ và tài sản, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD.

“Việc tham gia IPAF sẽ giúp VAMC có cơ hội học hỏi kinh nghiệm xử lý nợ từ các công ty quản lý tài sản trong khu vực, đồng thời tạo cầu nối giúp VAMC tiến gần hơn với các nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam”, đại diện VAMC chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Hải – Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn IPAF và Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC chia sẻ, trong 2 năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặt nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Khi thị trường mua bán nợ cạnh tranh hơn, DATC đã điều chỉnh chiến lược hoạt động của mình. Theo đó, Công ty không chỉ gói gọn xử lý nợ cho các doanh nghiệp nhà nước mà còn xử lý nợ xấu cho cả các doanh nghiệp khác.

Đáng chú ý, ngoài chức năng mua bán nợ, DATC còn mở rộng các ngành nghề như: Quản lý khai thác tài sản, hoạt động tư vấn, hoạt động phối hợp trong thu nợ… Với những nỗ lực đó, từ 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong 173 doanh nghiệp tái cơ cấu, DATC đã kết hợp xử lý nợ gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho 78 doanh nghiệp nhà nước, 100 doanh nghiệp còn lại được tái cơ cấu tài chính thông qua xử lý nợ qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính, tiết giảm chi phí, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành thị trường mua bán nợ cạnh tranh hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kinh doanh mua bán nợ đơn thuần chỉ là các giao dịch thương mại và cần khuyến khích phát triển thay vì ngăn chặn bởi các điều kiện.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng việc phát triển hoạt động mua bán, xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất để phát triển, bên cạnh đó cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực