Kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL

Thứ tư, 04/09/2019 17:41
(ĐCSVN) - Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 nhằm khẳng định sự gắn kết của các địa phương trong xây dựng thương hiệu liên kết vùng trong du lịch, nâng tầm và chất trong các hoạt động hợp tác.

Ngày 4/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn đã diễn ra Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ nhất năm 2019.

Diễn đàn nhằm khẳng định sự gắn kết của các địa phương trong xây dựng thương hiệu liên kết vùng trong du lịch, nâng tầm và chất trong các hoạt động hợp tác. Diễn đàn lần đầu tiên bàn luận về thực trạng và các giải pháp cụ thể đồng bộ trên các nội dung: Xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm liên kết và công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch vùng; tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với địa phương ĐBSCL, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng, phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương để hình thành các sản phẩm liên vùng, hình thành các chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của ĐBSCL đến các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Hùng Khoa)

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du Lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lợi thế liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Còn thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.

Năm 2018, du lịch TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000. Có thể nói đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Để tạo sự gắn kết của TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, TP. Hồ Chí Minh kết hợp với  ĐBSCL tạo ra một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng; hình thành những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; tăng cường quảng bá, xúc tiến; cùng với đó tập chung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng văn hoá, giải trí, du lịch ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL để làm mới sản phẩm;  chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ….

Nhấn mạnh tiềm năng của cụm liên kết phía Đông ĐBSCL, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, cụm liên kết phía Đông ĐBSCL bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Trong đó, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) sau 30 năm khai phá đã trở thành vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước. Các tỉnh thuộc Cụm Đông có những điểm tương đồng về địa hình, điều kiện sinh thái, khí hậu phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch gắn với nông nghiệp. Những lợi thế này đã, đang và sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh thức, khai thác, phát huy bằng những dự án hiệu quả.

Nêu quan điểm về Cụm Tây đồng bằng sông Cửu Long, Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức, du lịch của các tỉnh, thành phố trong Cụm Tây đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục vươn xa. Với phương châm mang lại cơ hội cho đối tác, các địa phương luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Tại diễn đàn, Ban tổ chức đã giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào vào 179 dự án, trong đó có 51 dự án lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và giải trí của TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu tư là 39.933 tỷ đồng, 36 dự án của 7 tỉnh, thành cụm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL với tổng số vốn là 6.705 tỷ đồng, và 92 dự án của 6 tỉnh, thành cụm du lịch phía Tây của vùng ĐBSCL với tổng số vốn đầu tư lên đến 147.053 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nên chủ động tìm hiểu tiềm năng của dự án, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi… trong hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. TP. Hồ Chí Minh đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch tiềm năng liên kết vùng./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực