Khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo

Thứ năm, 09/07/2020 14:39
(ĐCSVN) - Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Ngày 9/7/2020, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và Điện mặt trời mái nhà.

Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật những thông tin về hiện trạng nguồn điện hiện nay; phổ biến chủ trương, định hướng cũng như các cơ chế chính sách hiện hành về năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam.

 Hàng trăm doanh nghiệp đã tới tham dự Hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ những giải pháp, công nghệ, kỹ thuật, thị trường NLTT; nêu các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai; đồng thời tạo diễn đàn mở để các cơ quan quản lý địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp bày tỏ ý kiến, góp ý, khuyến nghị cho các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn điện NLTT nối lưới, điện mặt trời mái nhà, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Nam trong thời gian tới.

Trên thực tế hiện nay, nhu cầu  sử dụng điện đang tăng cao, nhưng khả năng đáp ứng lại gặp những khó khăn nhất định. Nguyên nhân do nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; tác động về biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra… 

Do đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Nó góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, vô tận ở nước ta, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tận dụng được nguồn đất hoang hoá không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp. Đồng thời giảm bớt áp lực cho hệ thống điện quốc gia, gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng của đất nước. Không gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên việc phát triển Năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Tại Hội thảo, bên cạnh việc cập nhật thông tin, cơ chế chính sách hiện tại, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn, trao đổi, đề cập đến những cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

 Các đơn vị giới thiệu sản phẩm bên lề Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam./.

Trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển Năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực