Không chủ quan với dịch tả lợn châu Phi

Thứ sáu, 14/09/2018 15:03
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Các địa phương cần hành động quyết liệt, không chủ quan với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực; từ đó, chủ động cung cấp thông tin đến các địa phương, người dân, hộ chăn nuôi.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 14/9, tại Hà Nội.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BT)

Nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh dịch lây lan chủ yếu do có yếu tố của con người tác động như: Việc vận chuyển lợn và các sản phẩm mắc bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Vi rút bệnh dịch tả châu Phi có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao so với những bệnh khác như: lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển.

Hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi, giải pháp phòng bệnh là chính; bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Từ cuối năm 2017 đến 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bệnh là 228.311 con, số lợn chết vì bệnh 20.633 con, tổng đàn lợn có nguy cơ, đã buộc phải tiêu hủy là 562.761 con.

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và FAO, tính từ đầu tháng 8/2018 đến 10/9/2018, Trung Quốc đã báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).

Cần nắm bắt thông tin kịp thời

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, khi chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh.

Cùng với đó, cần tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn.

Khi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, cần tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh. Trong đó, cơ quan thú ý nơi gần nhất cần lấy mẫu để xét nghiệm trước khi tiêu hủy toàn đàn lợn, sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng. Cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi đang  diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch, ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các tỉnh ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các địa phương cần hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực; từ đó, chủ động cung cấp thông tin đến các địa phương, người dân, hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Giám sát chặt chẽ không để các bệnh lây nhiễm qua đường biên giới. Tổ chức hướng dẫn cho người chăn nuôi, tổ chức thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi họp chợ, xây dựng phương án nếu có dịch, đặc biệt đối với dịch tả lợn châu Phi.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh chăn nuôi trong vụ Thu Đông. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm xảy ra như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn, chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời xử lý không để dịch lây lan./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực