Khu vực nông thôn miền núi Lạng Sơn: Lấy mô hình trang trại làm động lực phát triển kinh tế

Thứ năm, 22/04/2010 15:49
Lạng Sơn tập trung xây dựng mô hình kinh tế nông lâm nghiệp tập trung với quy mô lớn theo hình thức trang trại nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Đồng thời khi làm kinh tế trang trại, người nông dân cũng nhạy bén hơn với thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn miền núi; làm tiền đề và động lực cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển.

Diện tích đất lâm nghiệp, đồi rừng của tỉnh Lạng Sơn chiếm trên 80%, trong đó có trên 300.000 ha đất đồi núi chưa sử dụng, đây là một trong những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế trang trại. Trước thực trạng đó, từ tháng 5/2005, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động sâu, rộng đến các đơn vị, tổ chức, các tầng lớp nhân dân và tích cực tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng thúc, các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng. Đến nay, 81% tổng diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho người dân, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm phát triển quy mô sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành 5 chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, các chính sách này đã nhanh chóng được triển khai thực hiện. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được chú trọng do đội ngũ khuyến nông phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tổ chức tại các địa phương. Bên cạnh đó, Lạng Sơn quan tâm đến việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn như giao thông, thuỷ lợi. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 80 chợ các loại; đã có 100% xã có điện lưới và 86,3% số xã có đường giao thông đi lại được bốn mùa, cùng hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn thiện với 3.350 công trình các loại.

Theo rà soát năm 2006, toàn tỉnh có 127 trang trại, nhưng khi áp dụng các tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì toàn tỉnh chỉ còn 41 trang trại. Đến tháng 3/2010 con số này đã tăng lên 66 trang trại. Hiện nay, quy mô về diện tích bình quân mỗi trang trại tăng trên 14 ha. Cơ cấu loại hình trang trại chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể là từ 16 trang trại chăn nuôi (2006), thì đến đầu năm 2010 đã phát triển lên đến gấp đôi. Các chủ trang trại đã bước đầu biết cách tổ chức sản xuất kinh doanh, có định hướng sản xuất cụ thể. Đặc biệt một số trang trại đã thuê những người có năng lực, trình độ quản lý, kỹ thuật để chỉ đạo tổ chức sản xuất hiệu quả. Năm 2010, tổng vốn đầu tư sản xuất của các trang trại trên 12 tỷ đồng/trang trại, tăng trên 10 tỷ đồng so với bốn năm trước, doanh thu đạt trên 8,6 tỷ đồng/trang trại; sản phẩm sản xuất ra tập trung, có chất lượng, mang tính hàng hoá, trở thành một hình thái tổ chức sản xuất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang được các cấp, các ngành triển khai tích cực với dự kiến đến năm 2015 nâng số lượng trang trại trên địa bàn toàn tỉnh lên 100; tốc độ tăng từ 10 - 15%/năm với quy mô, chất lượng, hiệu quả,...tạo động lực cho hiện đại hoá khu vực nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn phát triển bền vững./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực