Khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp đã đầy đủ

Thứ sáu, 21/04/2017 18:28
(ĐCSVN) - Ngày 21/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức “Diễn đàn Quản trị công ty – Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016-2017”.


Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh:M.P)

Tiếp theo chuỗi các Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam được xuất bản hàng năm bắt đầu từ năm 2006, VCCI tiếp tục xây dựng Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016/2017 với chủ đề: Quản trị công ty.

Theo đánh giá của VCCI, cho đến nay, khung pháp lý về quản trị công ty đã đầy đủ, phù hợp với yêu cầu và nguyên tắc quản trị trên thế giới. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động quản trị công ty vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém.

Báo cáo cho thấy, những vấn đề cố hữu của khu vực doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết như: Năng suất lao động thấp; hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; công nghệ còn lạc hậu; năng lực cạnh tranh yếu; thiếu vắng lực lượng doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để hội nhập… Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trên là năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị công ty của doanh nghiệp nước ta còn hạn chế.

Theo đánh giá của VCCI, trong quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, khung quản trị công ty cũng từng bước được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện. Vì thế, các chuyên gia đều đánh giá khung quản trị công ty ở Việt Nam đã phù hợp với yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI, quản trị công ty nếu thực hành tốt sẽ tạo được sự minh bạch, đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh và xây dựng được lòng tin của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quản trị công ty tốt sẽ thu hút đầu tư, cải thiện hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế, từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng các chương trình để nâng cao nhận thức của thị trường, trong đó có việc ban hành Sổ tay hướng dẫn về quản trị công ty; các biện pháp khuyến khích thị trường; từng bước hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty.

Tuy nhiên, dù đã có thời gian phát triển tương đối dài, nhưng khái niệm quản trị công ty với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn rất mới mẻ, lẫn lộn giữa quản trị công ty với quản trị tác nghiệp.

Kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp theo mô hình hiện đại (công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp FDI) trong năm 2016 của VCCI cho thấy, 40% doanh nghiệp chỉ công bố Báo cáo tài chính; tỷ lệ doanh nghiệp chỉ công bố Báo cáo thường niên là 6,5%; tỷ lệ doanh nghiệp công bố cả Báo cáo tài chính và Báo cáo thường niên là gần 23%. Đặc biệt, có tới 30% không công bố báo cáo nào.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, doanh nghiệp vẫn lúng túng, chậm phản ứng với thay đổi môi trường kinh doanh, đặc biệt là bối cảnh khủng hoảng tài chính. Hơn nữa, quá trình thực hiện nguyên tắc quản trị công ty ở Việt Nam chưa tốt. Nếu so sánh với các nước, nhất là các nước trong khu vực thì Việt Nam mới ở mức độ trung  bình. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo ra niềm tin và chưa đưa ra hiệu quả tốt trong kinh doanh.

“Sự yếu kém về quản trị cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn”, đông về số lượng nhưng yếu kém về chất lượng” - bà Hằng cho biết.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia đều nhận định, doanh nghiệp phải thay đổi việc quản trị công ty; áp dụng chuẩn mực kế toán báo cáo tài chính quốc tế (IFRC); có những giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt quản trị công ty.

Cũng tại Diễn đàn, Hội đồng Tư vấn quốc gia về quản trị công ty đã ra mắt. Hội đồng có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan nhà nước như: Ủy ban Chứng khoán nhà nước, VCCI… cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế về kế toán, tài chính, quản trị công ty./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực