Kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 12/05/2020 09:47
(ĐCSVN)- Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường du lịch trong nước và quốc tế, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Chính vì thế, sự liên kết, kích cầu, đầu tư cho du lịch được các địa phương lên kế hoạch, sẵn sàng trở lại hoạt động khi dịch bệnh được đẩy lùi.
leftcenterrightdel

Hoạt động du lịch khu vực ĐBSCL những ngày qua

bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19

(Ảnh: K.V)

Có thể thấy, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng trực tiếp trên nhiều phương diện như lữ hành, lưu trú, dịch vụ…, những trung tâm du lịch nổi tiếng trong khu vực vắng bóng khách du lịch, nhất là từ khi có chỉ thị của Chính phủ về giãn cách xã hội. Ngành du lịch TP.Cần Thơ trong những tháng đầu năm 2020 chỉ đạt chưa đến 50% số lượng khách so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ ngành chỉ đạt hơn 751 tỉ đồng, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ. Với việc tạm dừng hoạt động các khu/điểm du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Cần Thơ cũng điêu đứng vì dịch bệnh này.

Một số sự kiện vốn thu hút rất đông khách tại Cần Thơ như Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, biểu diễn nghệ thuật định kỳ… đặc biệt là sự kiện Cần Thơ đăng cai Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia dự kiến vào tháng 4 cũng đã phải tạm hoãn.

Quý I/2020, ngành du lịch tỉnh An Giang cũng bị tác động rất lớn trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi lượng du khách giảm, công suất sử dụng phòng thấp, nhiều khách sạn, nhà hàng phải tạm đóng cửa, không đón khách. Ba tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch An Giang đón chỉ đạt 30% so với kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23% so kế hoạch.

Tương tự, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đón khoảng 160.000 lượt người trong quí I/2020...Trước những khó khăn trên, ngành du lịch các địa phương đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, có những đề xuất như hỗ trợ về cải cách thể chế và cải cách hành chính trên lĩnh vực du lịch; hỗ trợ Chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực; hỗ trợ chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền về du lịch Cần Thơ là điểm đến an toàn và giải pháp kích cầu du lịch sau dịch COVID-19. Theo đó, bên cạnh khai thác thế mạnh du lịch ở Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát và khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa ở các địa phương nhằm phát triển du lịch. Đồng thời, ngành du lịch TP.Cần Thơ cũng đề ra những định hướng phù hợp trong các hoạt động du lịch trong thời gian tới, khi mà dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, ngành du lịch Cần Thơ còn xây dựng kế hoạch tuyên truyền về du lịch Cần Thơ là điểm đến an toàn và kế hoạch kích cầu du lịch sau dịch COVID-19; phối hợp với các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ tổ chức khảo sát các điểm du lịch tại quận Cái Răng, Thốt Nốt và huyện Phong Điền nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch mới, tạo ra sự thay đổi cho du lịch Cần Thơ sau dịch COVID-19.

Đưa ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu xây dựng và nâng cao chất lượng điểm cung cấp thông tin du lịch tỉnh Bạc Liêu tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; phối hợp Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch TP.Hồ Chí Minh phát hành nhiều ấn phẩm, tập gấp, tranh ảnh, sách hướng dẫn du lịch Bạc Liêu; quảng bá du lịch Bạc Liêu trên sóng truyền hình quốc gia…

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang tập trung chỉ đạo các khu du lịch… ngay thời điểm này cần tăng cường nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; đẩy mạnh đầu tư các khu du lịch hấp dẫn hơn, khang trang hơn; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hơn. Mặt khác, chuẩn bị các chương trình kích cầu du lịch bằng nhiều mô hình mới, dịch vụ mới, để thu hút du khách mạnh lên trong thời gian tới, khi dịch bệnh lắng dịu.

Đồng thời bàn bạc với các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ về chương trình kích cầu du lịch một cách tổng thể như giảm giá, tăng thêm những dịch vụ mới, sản phẩm mới hấp dẫn, nhằm hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với các điểm tham quan khi tình hình dịch đã ổn…

Bên cạnh nỗ lực của các địa phương, các doanh nghiệp, người làm du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất chủ động tìm giải pháp riêng. Bà con làm du lịch cộng đồng ở đây cũng tận dụng thời gian nghỉ chống dịch bệnh để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ. Mỗi hộ dân đều sửa sang nhà cửa, vườn tược, tạo thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế sau khi hoạt động du lịch được phép trở lại.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ phối hợp thống nhất với các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ… về chương trình giảm giá, đồng thời tăng thêm những dịch vụ mới, sản phẩm mới hấp dẫn, nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các điểm tham quan khi tình hình dịch đã ổn định.

Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào phát triển đa dạng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, bản địa, trải nghiệm… để du khách có điều kiện khám phá những nét đặc sắc về văn hóa và thiên nhiên của vùng, từ đó kéo khách ở lại dài ngày hơn. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, dự kiến, hoạt động du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể bắt nhịp trở lại từ tháng 5.

Một trong những giải pháp để kích cầu cho ngành du lịch phát triển ngay trở lại là thành lập liên minh kích cầu ở liên tuyến phía Bắc và Tây Nguyên. Ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh sẽ kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng chương trình liên minh kích cầu hiệu quả. Riêng Cần Thơ có thể xây dựng chương trình riêng, hoặc liên tuyến kích cầu với các địa phương lân cận./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực