Kiên Giang: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng bền vững

Thứ bảy, 07/03/2020 21:56
(ĐCSVN) - Tỉnh Kiên Giang đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách, cơ chế và xây dựng phong trào Hợp tác xã (HTX); tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng bền vững; không chạy theo thành tích; không để HTX hoạt động kém hiệu quả, thua lổ, giải thể.

Thời gian qua, tại tỉnh Kiên Giang, các địa phương tiếp tục phát triển hợp tác xã (HTX) bằng nhiều giải pháp như: kiện toàn, củng cố, nâng cao trình độ quản trị năng lực hoạt động của các HTX theo hướng hoạt động đa ngành, nghề, dịch vụ; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đặc biệt triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế và xây dựng phong trào HTX, tuyệt đối không chạy theo thành tích.

Mô hình sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển sang kinh tế nông nghiệp quy mô lớn tại Kiên Giang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Trên cơ sở những giải pháp và cơ chế trên, tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Kiên Giang đã và đang chuyển biến tích cực. Các cơ quan, ban, ngành chức năng đã tích cực chủ động phối hợp tham mưu tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể tương đối đồng bộ; nhận thức về kinh tế tập thể được nâng lên; tranh thủ được các nguồn lực, tìm kiếm lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp có uy tín và năng lực tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Các huyện, thành phố tích cực thực hiện cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế tập thể, ưu tiên lồng ghép các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để khuyến khích người dân tham gia vào HTX. Tỉnh tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn như:  thủy lợi, giao thông nông thôn, điện phục vụ cho bơm tát, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả tính cực trong việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX.

Chất lượng tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ các HTX hoạt động được nâng lên. Năm 2019 có 219 HTX thực hiện được chuỗi liên kết, dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững, điển hình như: các HTX ở huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên, Vĩnh thuận và một số HTX thuộc vùng tứ giác Long Xuyên. Riêng HTX thủy sản ở huyện đảo Kiên Hải đang hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị bằng mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp với du lịch sinh thái cung ứng dịch vụ giải trí và ăn uống cho du khách. Nhiều HTX chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm doanh nghiệp, mở rộng thị trường trong nước, tiêu thụ nông sản cho thành viên.

Hội nghị thành lập HTX cây ăn trái K21 lần thứ I, nhiệm kỳ 2018-2023 tại ấp Kinh Năm, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.

Công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ hợp tác, HTX được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đã nâng lên nhận thức và lòng tin của người dân về kinh tế tập thể; trong đó, không có ít HTX do người dân đề nghị thành lập, khi thấy được lợi ích thiết thực trong sản xuất và đời sống mà HTX mang lại. Ngoài mục tiêu hoạt động kinh tế, HTX còn là cầu nối đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với thành viên HTX, tổ hợp tác, góp phần ổn định chính trị tại địa phương.

 Toàn tỉnh hiện có 447 HTX đang hoạt động (phát triển mới 49 HTX, 93 tổ hợp tác nông nghiệp) với 58.506,9ha canh tác; tổng vốn điều lệ 238 tỷ 673 triệu đồng, trên 70.000 thành viên, người lao động có việc làm… Việc thành lập, duy trì HTX đã đáp ứng đáp ứng nhu cầu hợp tác của các thành viên trong phát triển kinh tế hộ; giúp thành viên nâng cao và ổn định đời sống. Nhiều tổ hợp tác hoạt động, quản lý chặt chẽ từ nguồn vốn đến khâu sản xuất kinh doanh, như các tổ hợp tác của huyện Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao… đây là tiền đề phát triển dần lên HTX.

Năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung thành lập mới 80 tổ hợp tác và 15 HTX gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển chuỗi lúa, khoai, rau, trái cây và thủy sản. Duy trì và phát triển 219 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc nông sản cho HTX. Hỗ trợ HTX sản xuất theo quy trình và giấy chứng nhận VietGAP và GloboGAP cho các HTX có nhu cầu. Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, làm trung gian, cầu nối giới thiệu doanh nghiệp với HTX hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 Trao đổi những vấn đề cụ thể trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng bền vững, đồng chí Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX cho biết, tỉnh đã giao Sở NN và PTNT; Sở Nội vụ hoàn thiện chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Các địa phương tiếp tục phát triển HTX, kiện toàn, củng cố, nâng cao trình độ quản trị năng lực hoạt động của các HTX theo hướng hoạt động đa ngành, nghề, có nhiều dịch vụ, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế và xây dựng phong trào HTX, không chạy theo thành tích; không để HTX hoạt động kém hiệu quả, thua lổ, giải thể. Cùng với đó, các địa phương lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực về làm việc HTX, đào tạo cán bộ HTX , cán bộ xã về quản trị HTX. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hợp tác, HTX; UBMTTQ cùng với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân .../.

Bài, ảnh: Nguyễn Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực