Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển

Thứ bảy, 29/12/2018 20:31
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết của các kiều bào muốn trở về đầu tư tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, nhất là khu vực hành lang kinh tế Đông – Tây.

 

Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: HH)


Trong các ngày từ 26-29/12/2018, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đồng chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển” tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tham dự Hội nghị có gần 350 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu là kiều bào đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là đại diện của các tổ chức Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), doanh nhân thành đạt, cá nhân tiêu biểu hoạt động tích cực, gắn bó với quê hương, đất nước và những kiều bào đã làm việc, đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Dự hội nghị về phía Bộ Ngoại giao có ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đóng góp quan trọng của NVNONN

Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% sống ở các nước phát triển, trong đó có khoảng 500 nghìn người là đội ngũ trí thức, chuyên gia. Kiều bào đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2018, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt 143 tỷ USD, trong đó năm 2018, ước đạt 15,9 tỷ USD. Hiện nay có khoảng 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đầu tư về nước với số vốn bốn tỷ USD tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trí thức kiều bào ngày càng quan tâm, phát huy trí tuệ và đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng trong các vấn đề phát triển của đất nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn xem người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương được tổ chức tại một tỉnh miền trung, là cơ hội để kiều bào và các địa phương trong nước nói chung, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng làm việc, kết nối giao lưu, tìm hiểu các cơ hội đầu tư kinh doanh và mang lại hiệu quả thiết thực về lâu dài.

Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để kết nối các hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, tạo sự gắn bó, thu hút nguồn lực đóng góp của kiều bào cho sự phát triển của quê hương, kết chặt hơn tình yêu đất nước, tình cảm thiêng liêng của những người con xa quê với Tổ quốc thân yêu.

 

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Hội  nghị. (Ảnh: HH)

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng kiều bào đông đảo nhất trong cả nước với khoảng trên 75.000 người đang sinh sống, lao động và học tập ở khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều hội đoàn kết người Nghệ An phát triển rất mạnh mẽ như Hội Việt Nam Đoàn kết tại Liên bang Nga; Hội Người Nghệ An tại CHLB Đức, CH Séc, Ba Lan, Thái Lan, Australia... Các hội đoàn đã thực sự đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Nghệ An và các đối tác nước ngoài. Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các kiều bào đối với các dự án trên địa bàn tỉnh.

Hiến kế phát triển quê hương

Tại Hội nghị, đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới đã trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn về tình hình hoạt động của các hội đoàn NVNONN, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động gắn kết, hướng về quê hương đất nước, đồng thời đề xuất phương hướng, biện pháp nhằm thu hút kiều bào về đầu tư, kinh doanh và làm việc với các địa phương của Việt Nam.

Theo ông Trần Đăng Huệ, Hội doanh nhân Việt Nam tại Sydney (Australia), hiện có rất nhiều cá nhân người Việt sau khi học tập ở lại định cư, đã và đang làm việc tại rất nhiều các công ty, tập đoàn lớn cũng như tại các cơ quan của chính phủ Australia. Họ chính là những cầu nối tích cực trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam - Australia. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Australia đang quan tâm đến thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Đề xuất những giải pháp tăng cường hiệu quả kết nối giữa Việt Nam và Australia, ông Trần Đăng Huệ cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Australia, bao gồm các doanh nghiệp kiều bào. Các tỉnh cần thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giới thiệu về tiềm năng của tỉnh; các dự án trọng điểm thu hút đầu tư cũng như thiết lập đầu mối liên hệ chiến lược là các tổ chức, công ty xúc tiến thương mại- đầu tư hay các cá nhân có uy tín tại Australia để triển khai các hoạt động kết nối lâu dài với thị trường Australia. Khi tiếp cận thị trường Australia, các doanh nghiệp, địa phương cần cập nhật các chính sách, thông tin thị trường Australia thông qua các kênh liên lạc để nắm bắt nhanh các luật lệ, thay đổi của thị trường Australia. Các hoạt động kết nối nên thông qua những người Việt hoặc người Australia có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp của Australia vì sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, cũng như cách thức triển khai công việc rất lớn giữa hai nước.

 

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HH)

 

Hiến kế riêng cho tỉnh Nghệ An, kiều bào Lê Ngọc Thạch ở Canada cho rằng, với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, tài nguyên dồi dào, cùng với cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp, Nghệ An đã và đang thu hút được nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đi bước dài và xa hơn, Nghệ An cần chú trọng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp hữu cơ. Đây là tiềm năng mà Nghệ An sẵn có nhưng chưa được đầu tư và khai thác mạnh.

Còn theo ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ về trăn trở của một số kiều bào đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An. Ông Peter Hồng nói: “Kiều bào chúng tôi muốn phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây. Đây là trọng điểm kinh tế mà nhà nước chúng ta đã nói nhiều năm, mà chúng ta chưa triển khai được. Thứ nhất là chương trình về vấn đề logistics, chúng ta chưa có địa chỉ, ưu điểm để phát triển trong tương lai. Đa số bà con kiều bào làm việc trong lĩnh vực logistics rất nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng, khi mà hành lang kinh tế Đông-Tây được tổ chức ở quê Bác một cách bài bản, thì nơi này sẽ là nơi để phát triển nguồn lực, cũng như tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận  20 ý kiến của kiều bào liên quan đến đề xuất, kiến nghị chính sách trong nước và đối với kiều bào ở nước ngoài. Ông Lương Thanh Nghị cũng đã trả lời về vấn đề quốc tịch và vấn đề Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam hay không.  Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý cho bà con kiều bào.

Đối với nhiều cơ chế chính sách khác, ông Lương Thanh Nghị cũng nhấn mạnh sau Hội nghị này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập hợp ý kiến của kiều bào, các địa phương để từ đó tham mưu xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của địa phương nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung./.

HH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực