Kiều bào hiến kế xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây

Thứ hai, 31/12/2018 22:03
(ĐCSVN) - Chiến lược Logistics phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Bắc Trung bộ là chủ đề chính của Hội thảo Việt kiều kết hợp đầu tư phát triển vùng Bắc Trung bộ do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) vừa được tổ chức tại Nghệ An.


Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HH


Phát triển Logistics để khai thác tiềm năng, lợi thế

Hành lang kinh tế Đông - Tây bắt đầu từ Mae Sot (Thái Lan) chạy qua Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh (Lào) và Việt Nam.

Về Chiến lược phát triển kinh tế, hành lang Đông – Tây nhằm liên kết giữa các quốc gia và lãnh thổ trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) theo hành lang giao thông kinh tế Đông - Tây nhằm sử dụng các cảng biển miền Trung Việt Nam làm cửa ngõ "ra - vào" cho hàng xuất và nhập khẩu từ Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Trong các hành lang kinh tế ở miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông qua các cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo theo đường 8 và đường 12A đến cảng Vũng Áng, Hòn La; qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy theo đường 7, đường 46 đến cảng Cửa Lò có vị trí rất quan trọng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.

Với lợi thế về khoáng sản, khoảng cách địa lý và cảng biển nước sâu để phát triển và cung cấp dịch vụ Logistics từ các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam cũng như cung ứng tại Lào, hành lang này sẽ mang lại nhiều lợi ích: liên kết vùng, tạo môi trường gắn bó kinh tế, văn hóa, chính trị; giúp Lào và Việt Nam xuất khẩu khoáng sản ra biển với chi phí thấp; giúp Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu, hóa chất đầu vào cho ngành khai thác khoáng sản.

Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Hội thảo lần này được tổ chức trên quê hương Bác là ý nghĩa lớn nhất của những người con xa quê. Thứ hai, chúng tôi muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây. Kiều bào chúng tôi cũng tha thiết đóng góp vào hành lang kinh tế Đông - Tây này. Và một ý nghĩa lớn nữa đó là phát triển hành lang kinh tế cũng có nghĩa là phát triển cho bà con ở Việt Nam và Lào ổn định và phồn thịnh. Đó là mục tiêu mà kiều bào chúng tôi muốn đem lại tại hội thảo lần này.

Mục tiêu trước mắt, và lâu dài chúng tôi muốn các nhà chiến lược có một tầm nhìn khái quát, đưa ra một mục tiêu để sau Tết Nguyên Đán, chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để đưa ra những chương trình cụ thể hơn, sẽ có những bản ký kết của tỉnh và các nhà đầu tư để triển khai dự án.

Đây là hội nghị mà những kiều bào doanh nhân rất háo hức và thấy còn rất nhiều tiềm năng ở những tỉnh miền Trung. Chính vì thế, chúng tôi sẽ cùng với chính quyền địa phương cùng góp sức để phát triển quê hương. Hơn nữa, miền Trung cũng là quê hương chịu nhiều bão tố, cũng là mảnh đất giàu truyền thống và cần được tri ân, chúng tôi cố gắng muốn làm những việc gì đó có ý nghĩa nhất cho các địa phương nơi đây. Chúng tôi mong kiều bào ở khắp nơi thế giới thế giới cùng chung sức với chúng tôi để phát triển hành lang kinh tế Đông –Tây trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài báo cáo tổng quan về Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: HH

Kiều bào hiến kế xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số chính sách: Đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu kết nối các cảng biển và cửa khẩu; đầu tư nâng cấp phương tiện và thiết bị xếp dỡ hàng hóa chuyên dụng xếp dỡ hàng khô rời; nghiên cứu phát triển quy hoạch tổng thể về hành lang vận tải, các dịch vụ Logistics hỗ trợ và cảng biển; xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình ưu đãi đầu tư của Chính phủ nhằm khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong dự án đầu tư…

Để thực hiện chiến lược Logistics, theo các đại biểu, cần chú trọng vào thành tố của hệ sinh thái của Logistics như phát triển hạ tầng vận tải, đồng bộ hóa các thể chế xuyên quốc gia, phát triển Logistics dịch vụ hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, sự thành công của việc triển khai thực hiện các chiến lược Logistics đòi hỏi phải có sự thấu hiểu, đồng thuận và phối hợp hành động không những của cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương, tỉnh của Việt Nam và Lào, mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Logistics.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chi hội Bắc Trung bộ của BAOOV với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Ảnh: HH

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng: Hiện nay chúng ta đã có chủ trương, chiến lược, có sẵn các doanh nghiệp trong nước tại các địa phương với nhiều kinh nghiệm khai thác. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Trung, các doanh nghiệp chưa nắm rõ kĩ thuật Logistics cho nên cần sự hỗ trợ chính thức vấn đề kĩ thuật từ các doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt kiều tư vấn kỹ thuật và đến với những địa phương chưa có điều kiện đầy đủ như Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh thì rất cần có những cuộc hội thảo như thế này. Kiều bào, các nhà khoa học, các nhà kĩ thuật, các kỹ sư sẽ cùng góp sức, góp vốn với các công ty trong nước hiện đang có tại địa phương hoặc thành lập những công ty mới với tỷ lệ góp vốn tuỳ theo mức độ tham gia và mô hình. Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều sẽ kết hợp với các doanh nghiệp, doanh nhân truyền thống nhiều kinh nghiệm để triển khai dự án thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn...  

“Các công ty Logistics chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng dịch vụ Logistics còn hạn chế. Hiện nay tỉnh đang phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng các cảng nước sâu. Đặc biệt Nghệ An rất mong muốn đón nhận Việt kiều đầu tư vào tỉnh” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Còn theo ông Dương Thế Cường, Giám đốc Công ty cảng quốc tế Lào – Việt: Hội thảo lần này là dịp chúng tôi rất kỳ vọng. Cảng Vũng Áng nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng là 1 trong 5 khu kinh tế biển của quốc gia, trong đó có đóng góp cổ phần của Lào. Phía Lào cũng kỳ vọng hàng quá cảnh của Lào có thể xuất nhập cảnh qua đây rất lớn. Hy vọng qua hội thảo lần này, các nhà đầu tư đến với cảng chúng tôi để kết hợp làm sao đầu tư cơ sở hạ tầng để làm Logistics, từ đó kết nối cho các khách hàng của Lào. Mong muốn xa hơn nữa là trong Khu kinh tế có riêng một khu hạ tầng cho các bạn Lào như: Khu công- ten-nơ lạnh và nếu kết hợp với các Hội chợ chung của quốc gia nữa thì chi phí đầu tư xây dựng sẽ giảm thì đương nhiên chi phí cho một công-ten-nơ đưa từ Lào về đây giảm mạnh. Hiện nay chi phí cho 1 công-ten-nơ đi theo đường bộ từ Lào về đang có chi phí khoảng 55-60%, cho nên nếu làm được Logistics, vận chuyển qua đường biển thì chi phí sẽ giảm đi rất nhiều. Cho nên, chúng tôi kỳ vọng rằng sau Hội thảo lần này sẽ có sự chuyển biến tích cực trong thực tế để các doanh nghiệp thực hiện hàng qua cảng biển thuận lợi hơn./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực