"Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới Việt Nam"

Thứ năm, 12/07/2018 18:16
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn. Sự phát triển nhanh chóng của mạng internet lại càng đóng góp vào việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu (Ảnh: HNV)

Thông tin này được khẳng định tại Hội thảo quốc tế về “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 12/7, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; cùng Tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khoa học thuộc Khối Thịnh vượng chung, Australia (CSIRO) tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với trước đây. Cùng với các quá trình này, sự phát triển nhanh chóng của mạng internet lại càng đóng góp vào việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.

Mô hình kinh tế chia sẻ khá mới mẻ trên thế giới và lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản, tài nguyên hiệu quả hơn. Lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của kinh tế chia sẻ còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ) cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia ... Vì vậy, việc thiết kế các chính sách kinh tế mới, phù hợp hơn với những phát triển của loại hình kinh tế chia sẻ được đặt ra đối với tất cả các nước.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ mang lại; coi đó cũng là tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0, cụ thể là sự phát triển của thời đại số, bắt kịp xu hướng chung của thế giới; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó kinh tế chia sẻ chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các start-ups; cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cũng như đẩy nhanh  thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử/số và cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ và tăng hoạt động đánh giá tác động của kinh tế chia sẻ đến các mục tiêu phát triển (đầu tư, việc làm, công nghệ, thuế, cạnh tranh..); dự báo sự phát triển của các lĩnh vực có tiềm năng cho mô hình kinh tế chia sẻ để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách, quy định. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng trao đổi, thảo luận xu hướng toàn cầu về kinh tế chia sẻ, cơ hội và thách thức của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, dự báo kinh tế số tại Việt Nam, trong đó đều nhất trí cao đây là xu hướng chung toàn cầu trong thời gian tới. Việt Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tận dụng được lợi thế từ nền kinh tế chia sẻ phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực