Kon Tum nâng cao chất lượng đàn bò địa phương

Thứ tư, 18/10/2017 18:47
Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, từ tháng 6/2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò lai Brahman cho gần 800 con bò vàng địa phương với tỷ lệ bò đậu thai đạt hơn 85%.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Theo đó, có 40 bê con được sinh ra, mỗi con bê ra đời có trọng lượng từ 25 đến 30 kg, khả năng sinh trưởng tốt góp phần nâng cao chất lượng đàn bò địa phương.

Phương án “Nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Từ năm 2016 đến nay, ngành Thú y tỉnh Kon Tum đã đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở để thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò ở địa phương. Được triển khai từ giữa tháng 6/2016, đến nay phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò đã được tiến hành ở 7 huyện, thành phố; người chăn nuôi được hỗ trợ 100% chi phí.

Ông Quyết cũng cho biết thêm, phương án thành công sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, thay đổi hẳn tư tưởng, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát của bà con sang chăn nuôi áp dụng công nghệ cao để cải tạo đàn bò, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả của phương án sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển chăn nuôi bò của địa phương theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, là cơ sở để phát triển chăn nuôi bò cao sản, bò chuyên sữa, chuyên thịt trong tương lai. Sau 5 năm thực hiện phương án, đến cuối năm 2019, sẽ có trên 1.900 con bê lai được sinh ra, góp phần tăng số lượng bò lai của tỉnh Kon Tum lên tối thiểu  6.000 con.

Theo số liệu từ Chi cục thú y tỉnh Kon Tum, tổng đàn gia súc năm 2016, tỷ lệ giống bò vàng địa phương (bò vàng) chiếm 80%, bò lai chiếm khoảng 20%. Qua một năm triển khai phương án lai tạo đàn bò, hiện tại giống bò lai Brahman ngày càng phổ biến tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Việc tăng tỷ lệ bò lai sẽ góp phần tăng sản lượng, năng suất và khắc phục tình trạng chênh lệch về tầm vóc khi phối giống, hạn chế đồng huyết góp phần tăng tốc độ cải tạo chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020 là gần 3,3 tỷ đồng./.

Hồng Điệp/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực