Lai Châu: Trồng cây thảo quả góp phần nâng cao đời sống người dân và bảo vệ rừng

Thứ ba, 13/11/2018 17:29
(ĐCSVN) – Được trồng xen kẽ dưới tán rừng, việc phát triển cây thảo quả ở huyện vùng cao Phong Thổ (Lai Châu) không chỉ giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Thu hoạch thảo quả ở xã Dào San, huyện Phong Thổ (Ảnh: PA)

Khoảng chục năm trở lại đây, thảo quả đã và đang trở thành loại cây trồng chính tại nhiều địa phương ở Phong Thổ. Với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cây thảo quả đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số…

Nằm cách trung tâm huyện hơn 40 km, Dào San là một trong những xã có diện tích thảo quả tương đối lớn ở huyện Phong Thổ. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và diện tích rừng bao phủ lớn, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây thảo quả, Dào San có nhiều thuận lợi để phát triển loại cây thảo dược có giá trị kinh tế này. Hiện toàn xã đang có khoảng gần 200 ha trồng thảo quả; trong đó diện tích đã cho thu hoạch là hơn 130 ha. Người dân xã Dào San năm nay cũng được mùa thảo quả. Hiện, nhiều hộ hoàn tất việc thu thảo quả tươi, đang tiến hành sấy khô. Một số người dân vận chuyển thảo quả ra bán ở cửa khẩu Ma Lù Thàng, một số hộ bán cho lái buôn tại xã. Những năm trước, bà con tự ý thu hoạch, bán, sấy không có sự thống nhất nên khó quản lý địa bàn, hay xảy ra trộm cắp thảo quả. Theo ông Phàn A Long, Chủ tịch UBND xã Dào San, rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay xã Dào San đã ký cam kết với các Pa Vây Sử và Tung Qua Lìn. Theo đó, từ 1/9 âm lịch trở đi người dân 3 địa phương mới được thu, bán thảo quả. Đây cũng là biện pháp để bà con tập trung thu hoạch lúa mùa, thảo quả được chín già, chất lượng thảo quả tốt hơn, không bị hao khi sấy. Nhờ đó, đã giúp bảo đảm bảo tình hình an ninh trật tự vùng biên và tránh bị tư thương ép giá đối với người trồng thảo quả.

Tìm hiểu được biết, cùng với xã Dào San, cây thảo quả đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương khác ở huyện Phong Thổ. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện đã có 1.073 ha cây thảo quả với hơn 913 ha thảo quả cho thu hoạch. Thảo quả là cây dược liệu có đặc tính thích nghi dưới tán rừng, có tầng thảm mục và độ ẩm cao. Nhờ thị trường tiêu thụ lớn, được các thương nhân Trung Quốc thu mua với số lượng lớn nên thảo quả đã được chọn làm cây mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của nhiều xã tại Phong Thổ. Anh Sùng A Lang ở bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ cho biết: Gia đình tôi có gần 6 ha thảo quả, đợt vừa rồi tôi xuất bán được hơn 4 tạ thảo quả khô, thu về hơn 50 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thảo quả xen lẫn với rừng trồng của gia đình.

Theo chia sẻ của nhiều người trồng thảo quả ở huyện Phong Thổ, do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại, mưa tuyết và nắng nóng kéo dài nên năm nay diện tích thảo quả ở các địa phương giảm mạnh. Trước tình hình đó, UBND huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, trực tiếp là ngành nông nghiệp tăng cường cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả. Mặt khác, do thảo quả chín theo đợt nên để thu hoạch có hiệu quả phải thường xuyên kiểm tra quả để thu hái nhiều lần trong một vụ và thu hái phải đúng thời điểm, thời kỳ lúc đó mới đảm bảo chất lượng, đưa ra thị trường giá trị kinh tế mới đạt cao. Theo đó, ngành nông nghiệp huyện Phong Thổ đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng, tránh không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mẹ.

Thực tế cho thấy, thảo quả đang được coi là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương ở huyện Phong Thổ. Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của bà con thay đổi khá nhiều. Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên trong năm đầu tiên sẽ cho thu nhập khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/ha và những năm tiếp theo năng suất sẽ đạt cao hơn. Chăm sóc thảo quả tuy không phức tạp nhưng phải tuân theo quy trình, bởi thảo quả ưa sống dưới tán rừng. So với nhiều cây trồng khác, thảo quả có nhiều ưu điểm, lợi thế bởi trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư kinh phí lại có khả năng sinh trưởng, đẻ nhánh tốt. Thông qua việc hưởng lợi từ cây thảo quả cũng giúp người dân càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, có một khó khăn đang đặt ra đối với việc phát triển cây thảo quả tại Phong Thổ đó là việc bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ví dụ như vụ thảo quả năm nay người dân được mùa song giá thu mua hiện đang thấp hơn nhiều so với năm 2017. Việc mua, bán thảo quả phụ thuộc vào tư thương và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên việc giá thu mua thảo quả thấp đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng thảo quả. Nếu như năm ngoái giá bán 400 nghìn đồng/kg thảo quả khô thì năm nay giá thu mua đang ở mức trên dưới 200 nghìn đồng/kg. Trước thực trạng đó, mong muốn chung của nông dân huyện Phong Thổ đó là huyện, tỉnh có cơ chế chính sách bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thảo quả để bà con yên tâm gắn bó với loại cây dược liệu này.

Theo đánh giá, phát triển trồng cây thảo quả không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có vai trò tích cực trong việc góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên rừng; là hướng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện sẵn có của huyện biên giới Phong Thổ. Trước mắt, để phát triển cây thảo quả thực sự là hướng đi có hiệu quả, trong thời gian tới, huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển xây thảo quả tại các xã trên địa bàn huyện; tập trung mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình phù hợp; quy hoạch vùng để trồng với diện tích quy mô lớn. Đồng thời, đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kêu gọi và tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư chế biến thảo quả, từng bước hỗ trợ đầu ra cho người trồng thảo quả trên địa bàn toàn huyện./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực