Lạng Sơn gặp khó về kho chứa hàng lậu

Thứ sáu, 27/05/2016 18:40
(ĐCSVN) - Lạng Sơn là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu và lối mở, nên hoạt động thương mại có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước và địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình miền núi, nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt các kho chứa và tiêu huỷ hàng hoá nhập lậu còn rất nhiều hạn chế.

Một kho chứa hàng lậu ở Lạng Sơn (Ảnh: Đ.H)
Buôn lậu có xu hướng giảm

Thực tế cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi chung là buôn lậu) biến động tăng, giảm theo từng thời điểm khác nhau. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhìn chung, tình hình buôn lậu năm 2015 đã giảm so với năm 2014. Nhiều nhóm hàng hoá đã được thu hút nhập khẩu qua cửa khẩu theo quy định và một số mặt hàng nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm do điều kiện khách quan và khả năng cạnh tranh khá mạnh của hàng sản xuất trong nước. Điểm đáng chú ý, hoạt động buôn lậu những tháng đầu năm 2016 tuy chỉ ở quy mô mang vác nhỏ lẻ qua biên giới với những mặt hàng nhập lậu chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán; thì tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm như ma tuý, tiền giả,… lại diễn biến khá phức tạp. Địa bàn hoạt động chủ yếu qua những đường mòn thuộc khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, đồi 386, Hang Dơi thuộc xã Tân Mỹ; khu vực đồi Cao, Nà Han, Rọ Bon thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng; khu vực đường mòn 05, 06, khe Bà Đen, Thác Nước thuộc thị trấn Đồng Đăng,…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, đối với ma tuý vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là heroin, thì vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu là ma tuý tổng hợp dạng đá, dạng viên nén. Các đối tượng hoạt động với nhiều thủ đoạn hết tinh vi, manh động, thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian, quy luật giao thông nên rất khó cho công tác theo dõi, điều tra, bắt giữ. Đối với pháo nổ các loại được các đối tượng mang vác, vùi lẫn giữa các hàng hoá khác qua biên giới để vận chuyển sâu vào trong nội địa bằng xe máy, găm cắm trên xe ô tô. Hoạt động gian lận thương mại trong khu vực nội địa chủ yếu về nhãn mác, hạn sử dụng, chất lượng và nguồn gốc hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã nhận định chính xác, kịp thời về tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016, nên trong quý I/2016 đã có những giải pháp chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết liệt và kịp thời. Các ngành chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, thuế, kiểm lâm, y tế,… cũng đã ban hành nhiều kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng ngừa, chống buôn lậu. Trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 1.024 vụ (bằng 91,34% so với cùng kỳ năm 2015) được phát hiện và xử lý, tang vật vi phạm bị tịch thu là hàng cấm nhập lậu chủ yếu là ma tuý, pháo nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí, các mặt hàng tiêu dùng như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm công nghệ,…; phạt vi phạm hành chính 4,364 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 15,601 tỷ đồng; khởi tố 70 vụ với 100 đối tượng.

Sớm khắc phục thiếu hụt kho chứa hàng lậu

Nhìn chung, tình hình buôn lậu ở Lạng Sơn tuy đã được kiềm chế, nhưng công tác phòng chống buôn lậu cũng như xử lý hàng hoá nhập lậu còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, việc bố trí kho để tạm giữ, bảo quản hàng lậu, sân bãi để kiểm tra hàng hoá thiếu về diện tích và không bảo đảm an toàn. Chẳng hạn như đồn biên phòng Tân Thanh đang phải tận dụng nhà xe để chứa hàng hoá nhập lậu; Phòng PC46 Công an Tỉnh phải tạm thời sử dụng trụ sở cũ của Trạm xã Công an Tỉnh để làm kho chứa hàng lậu. Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường hiện nay còn có 5 đội phải mượn trụ sở cũ của các cơ quan khác trên địa bàn để làm trụ sở, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứa hàng lậu.


Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương,
 kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn (Ảnh: V.H)

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho chúng tôi biết thêm, hàng hoá nhập lậu đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loại thuộc nhóm mặt hàng hoá chất như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc một số nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ có nguy cơ cao về an toàn môi trường, an toàn thực phẩm. Do vậy, cần phải có kho bãi có đủ điều kiện để bảo đảm về an toàn môi trường, nhưng trên địa bàn lại chưa có các loại kho đặc chủng để chứa các loại hàng hoá này trong quá trình bắt giữ, điều tra, xác minh, chờ xử lý tang vật.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của Lạng Sơn đang vướng mắc về nguồn kinh phí tiêu huỷ hàng lậu. Hiện nay, kinh phí chủ yếu là ứng trước nguồn kinh phí chi thường xuyên để thực hiện việc tiêu huỷ hàng lậu, nên không chủ động trong công tác xây dựng dự toán, bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động chung hàng năm.

Địa điểm, trang thiết bị, phương tiện và công nghệ tiêu huỷ hàng lậu chủ yếu là thủ công tại các bãi rác, nên không bảo đảm vệ sinh môi trường. Một số loại hàng hoá thuộc nhóm vật tư nông nghiệp phải bảo quản, vận chuyển đi tiêu huỷ tại địa phương khác, nên chi phí cao.

Trước tình trạng thiếu hụt kho bãi chứa hàng lậu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các bộ, ngành cần sớm xem xét xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư công nghệ, thiết bị mới trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đạt chuẩn chất lượng, giá cả cạnh tranh để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn hàng hoá, từng bước hạn chế và đẩy lùi hàng hoá nhập lậu. Sớm có phương án xử lý các hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, xem xét về việc để lại số tiền phạt vi phạm hành chính nhằm tăng nguồn kinh phí; mua sắm trang thiết bị như công cụ kiểm định, xe chuyên dụng chở hàng hoá độc hại, hàng hoá tiêu huỷ cho lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thị trường.../.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực