Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

Thứ sáu, 16/03/2018 23:17
(ĐCSVN) – Nhằm đưa Luật Lâm nghiệp sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, ngày 16/3, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo quốc gia để lấy ý kiến của các đơn vị liên quan về Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

 

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, để tạo điều kiện cho Luật Lâm nghiệp có hiệu lực ngày 1/1/2019, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo 4 Nghị định, trong đó có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. 

Đến nay, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đang tiến hành lấy ý kiến lần 1. Dự thảo được kết cấu 10 chương, 116 điều và phần phụ lục.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Bá Ngãi, Dự thảo Nghị định được xây dựng trên tinh thần kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp với quy định trong Luật Lâm nghiệp, đồng thời bổ sung nhiều điểm tại một số mục của các chương cụ thể.

Trong đó, chương II về quy chế quản lý rừng, tiêu chí xác định rừng bổ sung quy định tiêu chí của rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia, rừng phòng hộ biên giới…, tại mục 2 về quản lý rừng đặc dụng, sửa đổi, bổ sung hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong khu rừng đặc dụng, so với Nghị định 117/2010/NĐ-CP, phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho ban quản lý rừng đặc dụng; quy định chặt chẽ việc thu thập mẫu vật, nguồn gen theo hướng chỉ thu thập mẫu vật, nguồn gen của những loài với số lượng được xác định tại chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt. Đối với tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, nhà khoa học, học sinh, sinh viên nước ngoài thì còn phải theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tin thêm về Dự thảo Nghị định, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Dự thảo Nghị định có một số điểm mới đối với quy định việc đóng, mở cửa rừng tự nhiên. Trong đó, Nghị định xem xét việc đóng, mở cửa rừng về lâu dài và đối với từng khu vực, từng địa phương như thế nào?. Việc đóng, mở rừng tự nhiên cần xem xét một cách khoa học để không có sự vướng mắc; đồng thời, thực hiện trên cơ sở căn cứ các nhu cầu: Đảm bảo phát triển bền vững, bảo đảm môi trường, quan hệ cung cầu và tình hình quản lý, thực trạng rừng trong từng khu vực, địa phương.

Cùng với đó, vấn đề về hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp cũng được bàn tới trong Dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó là các vấn đề về truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản hợp pháp, cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, triển khai quỹ bảo vệ phát triển rừng, thực hiện tín chỉ CO2 cũng là những điểm mà Dự thảo Nghị định hướng tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm của Nghị định như: Tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng; tiêu chí rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; sự phối hợp giữa cơ quan kiểm lâm và tài nguyên môi trường trong giao rừng, cho thuê rừng, ghi chép thông tin trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình tự thủ tục chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng,…

Theo đó, với tinh thần hoàn thiện nhanh dự thảo lần 1 của Nghị định, sau khi hoàn thiện sẽ chuyển văn bản công bố dự thảo trên các trang web để lấy ý kiến của các cá nhân trong toàn quốc; dự kiến Nghị định được ban hành trong năm 2018./.

 

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực