Liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

Thứ hai, 25/09/2017 13:41
(ĐCSVN) – Mặc dù được đánh giá là sau hơn 6 năm thực hiện Biên bản cam kết liên kết phát triển, đến nay, các tỉnh Duyên hải miền Trung đã gặt hái được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, để sự liên kết này thực sự phát huy hiệu quả, Duyên hải miền Trung cần nhiều cơ chế để thúc đẩy sự phát triển này.

Liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

Theo nhiều đại biểu tham dự cuộc họp Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, được tổ chức tại Đà Nẵng chiều 24/9, mặc dù trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015.

Tuy vậy, cũng tương tự như cơ chế Ban chỉ đạo trước đây, Hội đồng vùng dù đã có chức năng chỉ đạo, tổ chức phối hợp các địa phương thực hiện quy hoạch, cũng như theo dõi quá trình xây dựng và điều chỉnh quy hoạch của địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết… nhưng lại không có thực quyền trong việc quyết định các dòng ngân sách cho các dự án liên vùng hoặc được phân bổ dòng ngân sách độc lập cho Vùng.

Những định hướng của Ban chỉ đạo vùng ít tác động đến quyết định của các Bộ, ngành và địa phương. Về một số nội dung bắt buộc liên kết giữa các Bộ, ngành và các địa phương theo Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 vẫn còn mang tính hình thức, không xác định rõ quy trình triển khai các nội dung liên kết, cách thức thực hiện và tính pháp lý của các bên trong các hoạt động liên kết.

Trước những vướng mắc và khó khăn trên, theo TS.Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, trong Báo cáo Thường trực Chính phủ tháng 9/2017, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung đã đưa ra phương hướng liên kết phát triển và đề nghị một số chính sách để Vùng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối phát triển 09 nội dung liên kết đã được lãnh đạo chủ chốt 9 tỉnh, thành phố ký kết như: Nghiên cứu tái phân bổ lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; phát huy hiệu quả các khu kinh tế ven biển; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển Vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá văn hóa; trong đó đặc biệt chú trọng liên kết xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch; nghiên cứu cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn; và hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung chiều 24/9

Riêng tại cuộc họp của Ban điều phối lần này, 9 tỉnh, thành khu vực Duyên hải miền Trung sau khi thảo luận và tham vấn đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương đã thống nhất kiến nghị với Chính phủ các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi và điều kiện để liên kết Vùng trên địa bàn đi vào chiều sâu. Trong đó, đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng Duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lực phát triển kinh tế biển của Việt Nam, vừa có ý nghĩa về kinh tế-xã hội và cũng vừa có ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng. Cho phép xây dựng trục kinh tế biển thống nhất với 09 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia. Điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế của vùng duyên hải miền Trung. Bởi hiện nay trên địa bàn của Vùng có 5 khu kinh tế ven biển với diện tích quy hoạch 152.000 ha, nhưng chưa được khai thác đáng kể. Vì vậy, Chính phủ giao cho Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong Vùng, và các Bộ, ngành Trung ương khác, rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại vùng Duyên hải miền Trung trình Chính phủ  phê duyệt điều chỉnh. Một số khu kinh tế đã điều chỉnh như Chu Lai (Quảng Nam) và đang nghiên cứu điều chỉnh như Nhơn Hội (Bình Định), nhưng vẫn chưa có sự phối hợp về chức năng giữa các khu kinh tế.

Về vấn đề nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa”, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, để khắc phục những chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản dưới luật có liên quan đến khu kinh tế, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nên ưu tiên tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Nghiên cứu ban hành Luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các nghị định, thông tư hướng dẫn luật chuyên ngành cần có các nội dung riêng điều chỉnh các hoạt động trong khu kinh tế. Trong đó cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ cho Ban Quản lý khu kinh tế.

Cùng với các chính sách trên, Chính phủ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai. Xây dựng quy chế đặc thù Phát triển Vùng Kinh tế Chu Lai – Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp – cảng biển (logistic) – đô thị biển của vùngDduyên hải miền Trung. Đồng thời cần gắn kết 2 khu kinh tế này trong tổng thể phát triển, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương.

Quang cảnh tại cuộc họp Ban điều phối Duyên hải miền Trung chiều 24/9

Giao cho Bộ giao thông Vận tải chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung phối hợp cùng các địa phương, các bộ, ngành khác rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của Vùng, làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về: cảng biển, đường giao thông, sân bay của Vùng. Xây dựng cơ chế phối hợp Vùng trong việc đầu tư sân bay, cảng biển và giao thông nhằm tránh phân tán nguồn lực và thiếu gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong vùng.

Chính phủ cần đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Theo Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch  xây dựng các đô thị ven biển, hình thành “mặt tiền” của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian nhanh nhất, Chính phủ nên xem xét phân bố tỷ lệ vốn, còn chủ yếu huy động bằng “cơ chế“, trong đó có chính  sách khai thác quỹ đất đô thị; nghiên cứu chính sách đất đai và thuế đặc biệt ưu đãi để phát triển các đô thị trong khu kinh tế ven biển, có thể nghiên cứu một số chính sách phù hợp sẽ áp dụng trong các đặc khu hành chính-kinh tế.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung đề nghị Chính phủ  giao cho  Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban điều phối Vùng xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn”. Đây là địa bàn có lợi thế và có điều kiện để liên kết phát triển từ các “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả Vùng.

Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên xây dựng Trung tâm Logistic – Hậu cần biển cho vùng duyên hải miền Trung. Trong đó, ưu tiên xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của Vùng (quy hoạch ở Khánh hòa) và tạo điều kiện để xây dựng một số cảng cá địa phương thành trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh, gắn với công nghiệp chế biến và tổ chức lại đời sống của ngư dân ở các “làng chài”.

Theo Trưởng Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung năm 2017- Lê Thanh Quang, việc đầu tư các khu neo đậu tránh bão của tàu thuyền với nguồn vốn nhỏ giọt thiếu tập trung còn nhiều bất cập. Các khu hậu cần nghề cá ở quy mô địa phương phần lớn vẫn nằm trên quy hoạch, chưa có nguồn vốn đầu tư hoặc cơ chế huy động vốn đầu tư./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực