Long An đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Thứ tư, 13/05/2020 08:52
(ĐCSVN) - Long An hiện đang là địa phương tập trung mạnh vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, tỉnh cũng đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối cho việc tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao trong những năm qua…

Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến được xem là khâu đột phá trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An, đây được xem như là con đường tối ưu nhất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh Long An cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực phát triển công nghiệp xây dựng và đô thị diễn ra khá sôi động. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Những năm gần đây, tỉnh Long An đã và đang hình thành nhiều khu, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, tỉnh đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối tiêu thụ nông sản. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong đó lúa là cây chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng hơn 500.000ha, sản lượng 2,7-2,8 triệu tấn/năm; thanh long với diện tích 11.700ha, sản lượng gần 310.000 tấn; chanh chủ yếu là giống chanh không hạt với diện tích trồng gần 10.000ha, sản lượng trên 156.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.320ha áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất lúa, rau, quả và chăn nuôi thủy sản.

Chế biến hàng nông sản là thế mạnh của tỉnh Long An. (Ảnh: K.V) 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Long An là địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và chế biến, điều này sẽ thúc đẩy cho việc sản xuất nông nghiệp của Long An thu được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian tới khi mà nền nông nghiệp của chúng ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp chế biến nông sản. Long An là địa phương có diện tích lúa đứng thứ 4 Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa hằng năm đạt khoảng 2,7 – 2,8 triệu tấn/năm. Hiện, có trên 115 doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo với công suất chế biến và kho chứa lúa gạo thuộc loại lớn. Về chế biến hạt điều nhân có gần 50 doanh nghiệp.

Về chế biến rau, củ, quả, có hơn 20 doanh nghiệp với quy mô dây chuyền hiện đại sử dụng các loại rau, quả tươi. Một số sản phẩm đặc trưng như sản phẩm chế biến từ thanh long, chanh, khoai mỡ, dứa, lạc,…Chế biến thịt có quy mô nhỏ. Đồng thời, Long An một số doanh nghiệp, nhà máy chế biến thịt với dây chuyền công nghệ hiện đại, tổng công suất 100.000 tấn/năm và Tập đoàn Masan chuẩn bị đưa vào vận hành dây chuyền giết mổ, chế biến thịt heo với công suất 140.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực chế biến thủy sản, Long An cũng có 26 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường khó tính như các nước EU, Nhật Bản, Mỹ,… Các doanh nghiệp đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, chế biến HACCP,…

Cùng với các địa phương trong khu vực và cả nước, thời gian qua, Long An cũng đang từng bước tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản. Cùng với đó, ngành nông nghiệp của Long An đẩy mạnh phối hợp với các địa phương rà soát các mặt hàng cần tiêu thụ; thống kê sản lượng hàng hóa, nông sản theo mùa vụ và những loại sản phẩm tiêu biểu của địa phương, tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm có đạt theo hướng sản xuất an toàn, VietGAP hoặc Global GAP. Đồng thời, rà soát diện tích, khả năng cung ứng, đối tác và thị trường mà các hợp tác xã mong muốn để kết nối...

Từ các thông tin của ngành nông nghiệp và các địa phương, đơn vị chức năng của tỉnh Long An sẽ có kế hoạch tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của địa phương thông qua các sự kiện, hoạt động, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được tổ chức tại tỉnh và khu vực trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần có những hoạt động kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp có thể làm chủ được công nghệ bảo quản. Và quan trọng là chi phí, giá thành đầu tư cho công nghệ phải đảm bảo phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, hài hòa giá đầu vào, đầu ra và đảm bảo lợi nhuận khi xuất khẩu.

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp chế biến, có quy mô lớn làm vai trò dẫn dắt, đầu mối kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư kho, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP,… còn nhiều khó khăn mặc dù tỉnh Long An đã có chính sách hỗ trợ chi phí chứng nhận ban đầu, nhưng do thị trường hiện nay còn chưa rạch ròi chất lượng sản phẩm chứng nhận và không chứng nhận nên nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân còn ngại, không thực hiện tái chứng nhận lại do chi phí cao. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có giải pháp giảm chi phí chứng nhận; ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực