Long An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 14/02/2019 14:49
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có trên 5.400 ha lúa, gần 1.300 ha rau và 900 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thành lập mới 2 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác trong vùng đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Tỉnh Long An cũng phấn đấu đến năm 2020, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó lúa 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000ha và bò thịt 5.000 con; có từ 1 đến 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ngô Bảo Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 700ha rau sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng lại ở việc triển khai thực hiện các mô hình trong nhà lưới, nhà kính mà còn nhân ra diện rộng những diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài trời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân lắp đặt hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; sử dụng các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học vào quá trình sản xuất, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tỉnh Long An cũng xây dựng được 45 mô hình sản xuất lúa với diện tích 2.844ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống xác nhận, sạ thưa với lượng giống 120kg/ha và áp dụng các giải pháp kỹ thuật như bón phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm nấm xanh, thực hiện theo quy trình “1 phải, 5 giảm” và giảm được chi phí sản xuất ước khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 3 triệu đồng/ha.

Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Long An. (Ảnh: K.V)

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện tỉnh đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến; đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đang có chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020.

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh Long An tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện công tác quy hoạch ngành nông nghiệp, trong đó, ưu tiên xác định được đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, địa điểm, loại công nghệ áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát quy hoạch đất, lựa chọn quỹ đất sạch; kêu gọi, tìm kiếm, lồng ghép các nguồn lực khác nhau để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, Long An cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi; hỗ trợ vốn vay mua máy móc, vật tư ứng dụng công nghệ cao thông qua nhu cầu của hợp tác xã. Triển khai hiệu quả mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do ngân sách nhà nước có hạn. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác. Cùng với đó, tỉnh Long An tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực