Long An: Xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 01/04/2020 14:46
(ĐCSVN) - Hiện độ mặn xâm nhập khá sâu đến vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An và dự kiến còn kéo dài hết tháng 4/2020. Do khô hạn và mặn kéo dài đã gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiều diện tích lúa và thanh long bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Khô hạn, mặn xâm nhập kéo dài đã khiến nhiều diện tích lúa ở Long An bị chết. (Ảnh: K.V) 

Theo đó, tình hình xâm nhập mặn trên các sông, rạch của tỉnh Long An trong tháng 4 và đầu tháng 5/2020 sẽ còn ở mức cao do dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông chỉ ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn 2016 từ 5% đến 20%. Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, do tình hình mặn xâm nhập nên đến nay vẫn chưa có lịch gieo sạ vụ Hè thu cho khu vực Đồng Tháp Mười.

Dự báo độ mặn trên sông, rạch của tỉnh Long An đến ngày 2/4 tại sông Vàm Cỏ Đông, địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đạt 8,1 g/l, tại Xuân Khánh, huyện Đức Hòa đạt 2,2 g/l. Độ mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 86km tại xã Thạnh Lợi và Lương Bình, huyện Bến Lức. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 3,1g/l sẽ đến ngã ba Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa. Tại Tân An, độ mặn sẽ đạt 8,1g/l vào ngày 27/3. Độ mặn xâm nhập sâu vào nội đồng cách cửa biển 110km (thị trấn Thạnh Hóa) xấp xỉ 4g/l…

Cũng theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, khả năng từ ngày 8/4 đến 15/4, chiều sâu mà độ mặn xâm nhập trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ tăng cao nhất với ranh 4g/l, phạm vi ảnh hưởng từ 95km đến 105km. Khả năng trong tháng 5/2020 độ mặn trên các sông lớn sẽ được cải thiện nhiều, nhưng vẫn phải đề phòng trường hợp bất thường của thời tiết.

Theo ông Huỳnh Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, dự kiến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh này trong tháng 4/2020 sẽ còn khốc liệt hơn trước đây. Độ mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ xâm nhập sâu hơn lên vùng Đồng Tháp Mười gồm các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ.

Chi cục khuyến cáo các địa phương vùng Đồng Tháp Mười nên đắp đập ngăn mặn tạm thời trên các sông, rạch lớn. Các hộ nông dân nên trữ nước khi độ mặn còn thấp để đề phòng nước mặn xâm nhập sâu.

Theo thống kê ban đầu, do ảnh hưởng của hạn, mặn, tại tỉnh Long An đã có hàng nghìn ha lúa bị thiệt hại. Tại huyện Tân Trụ đã có khoảng trên 4 nghìn ha lúa và thanh long bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa thiệt hại trên 70% là hơn 2.200 ha; thiệt hại từ 30% đến 70% là hơn 1.200 ha. Cây thanh long thiệt hại trên 30% là hơn 500 ha.

Trên địa bàn huyện Thủ Thừa, diện tích lúa có khả năng bị giảm năng suất từ 30% đến 70% là hơn 1.700 ha; 77ha có khả năng mất trắng. Huyện Châu Thành là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất tỉnh Long An. Toàn huyện Châu Thành hiện có 9.100ha thanh long, trong đó có 8.500ha đang cho trái. Vì vậy, lượng nước ngọt cần để tưới cho cây thanh long là rất lớn.

Tình trạng thiếu nước trong những ngày này đã gây khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo tuyên truyền cũng như quản lý chặt chẽ các giếng nước sinh hoạt của người dân, đồng thời, khuyến cáo các hộ nên hợp tác bơm chuyền, không dùng nước sinh hoạt tưới cây thanh long.

Đài Khí tượng thủy văn Long An khuyến cáo từ nay đến 5/4, nông dân cần tranh thủ trữ nước ngọt khi triều thấp, đặc biệt khi tưới cây cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn nhằm tránh thiệt hại. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết cực đoan thời gian tới, nếu thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh cộng với tình hình trữ nước tại các đập thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng hạ lưu kéo dài và trầm trọng hơn./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực