Lục Ngạn (Bắc Giang): Khắc phục khó khăn, bảo đảm hiệu quả kinh tế của vải thiều trước nguy cơ mất mùa

Thứ hai, 24/04/2017 18:05
(ĐCSVN) - Mặc dù được chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng hơn 16 nghìn ha vải thiều trà chính vụ, chiếm trên 90% tổng diện tích của vựa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang đứng trước nguy cơ mất mùa do thời tiết năm nay diễn biến bất thường.

Năm 2016, là năm vải thiều Lục Ngạn “được mùa, được giá” với tổng sản lượng quả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt hơn 91.508 tấn. Trong chỉ tiêu đề ra, vụ mùa năm 2017, Lục Ngạn phấn đấu đạt 91.800 tấn, nhưng với điều kiện thực tế hiện nay thì con số này khó đạt được.

Vải thiều là cây chủ đạo của Lục Ngạn đang đứng trước nguy cơ mất mùa

Nguy cơ mất mùa vải thiều năm nay

Ông Nguyễn Thanh Bình -  Chủ tịch UBND  huyện Lục Ngạn cho biết: Vụ sản xuất vải thiều năm 2017 của  toàn huyện có tổng diện tích là 16.300 ha; trong đó, vải chính vụ khoảng 14.543 ha, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 10.700 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ trong mùa đông cao hơn những năm trước và ít có rét kéo dài nên đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều. Hiện trên diện tích vải chính vụ của toàn huyện đạt tỷ lệ ra hoa là rất thấp, chỉ đạt khoảng 35%. Vì vậy năm 2017 đang có nguy cơ là năm thất thu lớn nhất của người dân trồng vải kể từ năm 1956 đến nay.

Theo nhiều người trồng vải thiều lâu năm ở Lục Ngạn, điều kiện thuận lợi để cây vải ra hoa là đúng thời điểm mùa lạnh, với nhiệt độ bình quân của các đợt rét sâu phải dưới 15 độ C. Khoảng thời gian lý tưởng là xung quanh dịp Tết Nguyên đán hàng năm, rộ nhất là vào tiết lập Xuân. Nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết khu vực này ấm đều và không có tháng nào nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Bên cạnh đó lại ít mưa, ít ẩm, không đủ điều kiện cho hoa vải thiều nảy bông.

Đồng chí Thân Văn Khánh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn

Hồng Giang là một trong những xã được chọn là vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản. Tại đây, 107 hộ dân đã được cấp riêng từng mã số để trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Mặc dù được dự báo sớm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhưng cây vải vẫn không thể ra hoa như kỳ vọng, chỉ đạt 30 – 40%.

Giáp Sơn là một trong những xã trọng điểm vải thiều Lục Ngạn, với diện tích vải thiều xấp xỉ 1.000 ha. Trong những năm qua, cây vải thiều là cây chủ lực để giúp bà con nơi đây xóa đói giàm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Song do tình hình thời tiết năm nay có những chuyển biến phức tạp, nên cây vải thiều nơi đây cũng chịu nhiều tác động. Tỉ lệ ra hoa chỉ đạt 35% so với năm ngoái.

Anh Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu), thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, một người trồng vải thiều lâu năm chia sẻ: Gia đình anh có diện tích vườn vải rộng hơn 2 ha. Từ nhiều năm nay, gia đình anh sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn của VietGAP nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, anh đã nghiên cứu, thực hiện thành công biện pháp cho quả vải thiều ra quả trong thân cây nên chất lượng quả vải thơm ngon hơn, cho giá trị kinh tế  cao hơn. Gia đình anh Hành được cơ quan chức năng cấp mã vùng với diện tích 1,5 ha sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP. Tuy là hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều nổi tiếng trong vùng, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên vườn vải thiều nhà anh cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện nay, gia đình anh đang áp dụng các biện pháp khắc phục.

Không chỉ gia đình nhà anh Hành, mà đa số các vườn vải thiều của hộ dân trong xã đều cho ra ít hoa, chỉ trổ nhiều mầm non. Theo các hộ trồng vải thiều trong xã, với điều kiện thời tiết năm nay và thực tế các vườn vải thiều trên địa bàn thì đây sẽ là năm vải mất mùa lớn nhất trong lịch sử.

Tập trung chăm sóc để nâng cao giá trị quả vải

Do nắm bắt kịp thời được sự biến đổi của khí hậu, cho nên chính quyền Huyện Lục Ngạn cũng đã có những dự báo sớm về nguy cơ mất mùa trước cho các hộ dân, tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông các xã, hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vườn vải thiều ra hoa sớm; cố gắng ổn định năng suất, nâng cao chất lượng. đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật đối với vải thiều chính vụ; sử dụng thuốc kích thích ủ mầm hoa, giữ ẩm nhưng không tưới nhiều nước; hạn chế tối đa việc giảm năng suất của vải thiều chính vụ.

Trao đổi với  phóng viên, ông Thân Văn Khánh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết: Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, không được thuận lợi cho cây vải thiều, lãnh đạo tỉnh cũng như huyện đã quán triệt tinh thần chung là: Mặc dù sản lượng vải thiều năm nay có thể giảm, nhưng cố gắng phấn đấu đảm bảo được năng suất, nâng cao chất lượng để đảm bảo giá trị quả vải, bù đắp việc thiếu hụt sản lượng. Chính quyền huyện Lục Ngạn đã mời các chuyên gia đầu ngành trong nước về cây vải thiều về khảo sát, đề xuất các biện pháp giúp bà con nông dân chăm sóc vải thiều trong thời gian ra hoa, đậu quả. Huyện thường xuyên bám sát tình hình, ra các văn bản hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc, bảo vệ cây vải thiều phù hợp, hiệu quả. Theo kinh nghiệm thực tế, năm nào sản lượng thấp thì giá trị quả vải sẽ nâng cao, nên lãnh đạo huyện luôn động viên khuyến khích bà con ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất.

Để tránh tình trạng “mất mùa, xuống giá”, bên cạnh việc chỉ đạo tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng quả vải thiều, chính quyền huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo làm tốt khâu kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thị trường cho vải thiều Lục Ngạn. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định và thị trường nội địa được xác định là trọng tâm, địa phương đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn, với hy vọng dù mất mùa, nhưng thu nhập từ vải thiều cảu địa phương sẽ không thua kém nhiều so với các năm trước.

Với sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, người dân Lục Ngạn đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chủ động chăm bón và có những sáng kiến xử lý tình huống. Nhiều hộ đã hoàn thiện các biện pháp xử lý nụ, lộc nên nhiều khu vườn vải chính vụ đã ra mầm hoa, mang lại khả năng đậu quả cao. Qua thực tiễn sản xuất, chắc chắn Lục Ngạn sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu để chủ động hơn trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, bảo đảm cho những mùa vải thiều bội thu trong thời gian tới./.

Nguyễn Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực