Mất mùa hoa cúc chơi Tết do bệnh lạ

Thứ sáu, 15/12/2017 19:50
Lâm Đồng được xem là vựa hoa lớn nhất cả nước. Từ đầu tháng 10 âm lịch đến nay, các nhà vườn đã tập trung xuống giống để chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2018. Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng xuống giống khoảng 2.000 ha hoa Tết các loại, riêng hoa cúc hơn 1.000 ha, tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận như: Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng.

 

Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh héo lá sọc thân hoành hành thiệt hại trên gần 50% khiến nhà vườn điêu đứng. Nhiều người dân trồng hoa cúc vụ Tết 2018 ở tỉnh Lâm Đồng đang lâm vào cảnh khó khăn khi phải nhổ bỏ nhiều diện tích hoa trước dịch bệnh không thể cứu chữa.

Có mặt tại Làng hoa Thái Phiên, phường 12, Thành phố Đà Lạt là nơi nổi tiếng với sản phẩm hoa cúc. Phóng viên ghi nhận mùi hôi nồng nặc của thuốc bảo vệ thực vật. Hỏi ra mới biết người dân đang trong cao điểm phòng chống dịch bệnh héo lá sọc thân, một loại bệnh mới phát sinh thành dịch lây lan khắp trên cây hoa cúc ở Lâm Đồng.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, thành phố Đà Lạt, cho biết, “Hiện nay, các vùng trồng hoa cúc trên địa bàn Đà Lạt đều xuất hiện bệnh này, riêng phường 12 có khoảng gần 100 ha hoa phục vụ Tết, chủ yếu là hoa cúc, hoa ly và cát tường, trong đó 75 ha hoa cúc. Nhưng có tới hơn 40% diện tích hoa cúc bị thiệt hại, hầu hết nhà vườn nhổ bỏ chứ không thể khắc phục”.

Những chủ nhà vườn ở đây đều rất dày dạn kinh nghiệm trong nghề trồng hoa. Nhưng lúc này, nhiều người đành bất lực mỗi khi bệnh héo lá sọc thân hoành hành trên các vườn hoa cúc. Theo họ, dịch bệnh đợt này gây hại nặng trên tất cả các giống hoa cúc như: Cúc đóa, saphir, kim cương trắng, xanh thái, vàng thái, AT, thạch bích...

Ông Lê Duy Kha, ngụ phường 12, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết: “Với diện tích canh tác cây hoa 4 sào gia đình thu về gần 50 triệu đồng/vụ, tuy nhiên do dịch bệnh hoành hành thiệt hại hơn 60%, vụ hoa vừa qua gia đình tôi chỉ thu được 15 triệu đồng, lỗ nặng chưa kể tiền giống và công chăm sóc. Nay, vụ hoa tết 2018 gia đình đã xuống giống được hơn gần 2 tháng nhưng giờ buộc phải nhổ bỏ hàng loạt để tránh lây lan vì cây có triệu chứng vàng lá, trên thân có sọc nâu chết héo rủ...”.

Chủ các nhà vườn trồng hoa cho biết, dịch bệnh trên cây hoa cúc hiện nay là rất lạ, khó chữa trị. Nếu phát hiện kịp thời thì phun thuốc bảo vệ thực vật, bênh trên cây chỉ chững lại chứ không hết hẳn, bệnh này gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây từ lúc mới trồng cho đến thu hoạch...

Trước dịch bệnh hoành hành, nhiều nhà vườn tìm cách ra sức bảo vệ cây hoa cúc vụ Tết 2018, bởi đã xuống giống gần 2 tháng, nếu không sẽ mất trắng. Qua đó, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được người dân tích cực phun, nhưng không mang lại kết quả.

Ông Nguyễn Tàu, chủ vườn hoa ở Đà Lạt cho biết: “Trước mắt chúng tôi nhổ bỏ những cây đang bị bệnh để tránh lây lan. Sau đó, tích cực dùng thuốc nhằm cứu vớt thiệt hại. Bởi cả vốn liếng chôn vào đầu tư vụ hoa tết, đến nay vườn cúc 5 sào của gia đình đã gần 2 tháng tuổi, tiền giống, tiền công chăm sóc, phân bón tính ra khoảng hơn 2.000 đồng/cây. Nếu dịch bệnh này không khống chế được gia đình sẽ mất Tết...”

Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt cho biết, hiện đơn vị đã phát tờ rơi hướng dẫn tạm thời phòng trừ bệnh héo vàng sọc thân hại cây hoa cúc xuất hiện phổ biến tại các phường 8, 9, 11, 12 và xã Xuân Thọ...

Qua khảo sát của Phòng kinh tế Đà Lạt, Trung tâm Nông nghiệp; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng nhận định, bệnh có thể do virus gây ra. Bệnh này gây hại theo đám, lá cúc có triệu chứng nhỏ lại, cháy khô lốm đốm, thân cây có vết sọc màu nâu đen. Sau đó, cây hoa cúc dần khô và thối biểu bì, chỗ bệnh có dấu hiệu phình to và nứt ra, chết dần.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội nông dân phường 12, Thành phố Đà Lạt, khuyến cáo: “Đây là dịch bệnh lạ mới xuất hiện nhưng gây thiệt hại lớn. Trong khi chờ kết quả của cơ quan chuyên môn, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã khuyên người dân nên nhổ bỏ và tiêu hủy những vườn bị nhiễm bệnh để tránh lây lan, không tiến hành ươm giống cúc trên khu vực đã nhiễm bệnh, phun các loại phân bón lá có chứa Ca, Mg, Fe, Zn... Ngoài ra, quản lý tốt các côn trùng như bọ trĩ, rệp, nhện, bọ phấn chích hút trên vườn hoa cúc để tránh lây lan dịch bệnh  bằng các loại thuốc Dinotefuran – Oshin 100 WP, Confidor 100SL, Map-Jono 5EC...”.

Bà Bùi Thị Thúy, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng, cho rằng: “Vào thời cao điểm có tới hơn 100 ha hoa cúc nhiễm bệnh này. Trước mắt, những loại hoa Tết đã xuống giống không còn can thiệp về giống thì người dân xử lý những công đoạn thủ công như nhổ bỏ tránh lây lan hoặc bằng các biện pháp hóa học. Nếu tiếp tục xuống giống mới thì bà con nên lưu ý chọn loại giống có quản lý xử lý virus ngay giai đoạn vườn ươm...”./.

 

Chu Quốc Hùng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực