“Mật ong Bạc Hà” phải giữ chữ tín thương hiệu

Thứ năm, 07/05/2020 21:01
(ĐCSVN) - Từ lâu đời, đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (gồm các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) đã phát triển nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, “Mật ong Bạc Hà” phải tiếp tục nâng cao chất lượng, giữ chữ tín thương hiệu...

Nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang thực hiện theo quy mô nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình vào những dịp lễ tết. Vì vậy, giống ong mà đồng bào dân tộc vùng Cao nguyên đá nuôi để khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên đã tồn tại từ khá lâu và trở thành giống ong nội của địa phương. Bên cạnh đó, cây hoa bạc hà chỉ sinh trưởng và phát triển duy nhất từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch của năm sau, đây cũng chính là thời điểm người nuôi ong trên vùng cao nguyên đá khai thác mật ong Bạc hà. 

Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh.

Năm 2013, thương hiệu “Mật ong Bạc Hà” của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được mở rộng vùng sản xuất, nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Với giá bán bình quân hiện nay từ 750 đến 800 nghìn đồng/lít, có thời điểm tới 900 nghìn đồng/lít, nghề nuôi ong nội khai thác phấn hoa cây bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến cuối quý I/2020, tổng số đàn ong của 4 huyện vùng cao nguyên đá đạt trên gần 33.000 đàn, chiếm trên 61,5% tổng số đàn ong trên địa bàn của toàn tỉnh; tổng giá trị sản phẩm mật ong thu được năm 2019 đạt gần 30 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản phẩm mật ong bạc hà của 4 huyện Cao nguyên đá đạt 20 tỷ đồng. Hiện có 5 doanh nghiệp, HTX phát triển chăn nuôi ong trên địa bàn 4 huyện cao nguyên đá; 3 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bàn giao 175.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà Mèo Vạc cho 3 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ong của người dân vùng cao nguyên đá còn hạn chế, dẫn đến chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có của loại sản phẩm đặc biệt này. Theo đó, việc nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà hiện vẫn mang tính tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng mật ong lớn để phục vụ nhu cầu thị trường; việc sử dụng nhãn mác cho sản phẩm mật chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng của sản phẩm; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân trong sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật tư cũng như bao tiêu sản phẩm mật ong còn hạn chế; chưa có đơn vị chuyên sản xuất giống ong tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của người nuôi ong; chưa quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho nuôi ong trong tỉnh để di chuyển nuôi dưỡng giữa các vùng hoa, đảm bảo đủ thức ăn cho đàn ong  khi hết mùa hoa cây bạc hà…

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, thương hiệu “Mật ong Bạc Hà” là một trong những sản phẩm chủ lực của 4 huyện vùng cao nguyên đá, là nguồn thu nhập của người dân và phát triển du lịch. Do đó, để phát triển sản phẩm này, UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho 4 huyện cao nguyên đá chủ động trong công tác quản lý và quy hoạch phát triển theo chuỗi giá trị; 4 huyện vùng cao nguyên đá cần vận động 100% số hộ nuôi ong vào HTX, tổ hợp tác; bao tiêu sản phẩm; ký cam kết không hoặc hạn chế cho các đơn vị, cá nhân hợp đồng đưa ong ngoại vào nuôi trên địa bàn; có biện pháp kiên quyết để giữ vững chất lượng, thương hiệu sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong mật bạc hà cần xác định đây là hướng phát triển kinh tế lâu dài, xóa bỏ tư tưởng làm ăn chụp giật; cần quan tâm đến lợi ích lâu dài để phát triển sản phẩm mật ong bạc hà có chất lượng, giữ vững uy tín trên thị trường…/.

Bài, ảnh: Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực