Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang thu hút doanh nghiệp châu Âu

Thứ ba, 21/02/2017 19:57
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của ông Joaquim Torrinha - Trưởng phòng Truyền thông Eurocham tại Việt Nam qua những khảo sát, đánh giá tại các doanh nghiệp châu Âu khi hoạt động, kinh doanh ở Việt Nam.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Thành)

Theo đánh giá của ông Joaquim Torrinha tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 21/2, những dấu hiệu tích cực cho triển vọng thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vốn được mong đợi sẽ củng cố mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. EVFTA được coi là nền tảng hữu ích cho công tác vận động chính sách của Eurocham và hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, có tới 76% doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh doanh tại đây trong năm 2017. Tỷ lệ này cao hơn cả con số đánh giá vào quý IV năm ngoái (73%).

“Hầu hết các doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát hài lòng về sự cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Có 56,6% số doanh nghiệp khảo sát cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng lao động Việt Nam trong năm nay và hướng tới mở rộng quy mô để tuyển dụng thêm” - ông Joaquim Torrinha nhấn mạnh. Đồng thời cho hay, EuroCham đang thực hiện 2 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Được biết, khảo sát lần này của Eurocham còn đề cập đến lĩnh vực tăng trưởng xanh - một chủ đề mà cơ quan này đang tích cực theo sát trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, nguồn năng lượng sạch và tái tạo là yếu tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. 

Cũng tại buổi gặp gỡ, Eurocham đã giới thiệu về lễ ra mắt Sách Trắng 2017 về đầu tư và thương mại tại Việt Nam vào ngày 2/3 tới đây tại Hà Nội. 

Sách Trắng 2017 sẽ đưa ra những đề xuất để hướng về quá trình thực thi của EVFTA. Cuốn tài liệu này cũng sẽ nêu rõ những quan ngại của doanh nghiệp trên các lĩnh vực quan trọng của môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam như đầu tư trực tiếp nước ngoài, vận tải-hậu cần, sở hữu trí tuệ… hay cụ thể của từng ngành như dược phẩm, công nghiệp ô tô, xe máy, nông nghiệp thực phẩm…; cùng việc phân tích và đưa ra ý kiến để giải quyết những quan ngại này./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực