Mua sắm trực tuyến trong nước đang ngày càng trở nên phổ biến

Thứ năm, 20/08/2020 19:53
(ĐCSVN) - Trong vài năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến trong nước đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
 Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” (Ảnh: K.D)

Đó là nhận định của ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tại Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” do Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 20-8, tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, việc thanh toán trực tuyến cũng đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới, khẳng định người tiêu dùng thông minh chỉ cần một chiếc điện thoại là tích hợp mọi thứ từ mua sắm đến tiêu dùng và làm giảm chi phí đi rất nhiều. Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển, đặc biệt tạo sự minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người dùng.

Cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp bán lẻ vào một “cuộc đua sinh tử”. Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, họ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng đang tác động nặng nề lên ngành bán lẻ, gây tổn thất về mặt doanh thu. Vì thế, tốc độ chuyển đổi số đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai bất kể quy mô lớn nhỏ.

Thảo luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù thanh toán trực tuyến đem lại nhiều lợi thế nhưng hiện nay việc thanh toán vẫn dùng tiền mặt là khá lớn. Nguyên nhân là do, người tiêu dùng vẫn còn lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các sàn thương mại  điện  tử chưa được xử lý triệt để; cùng với đó, khách hàng lo ngại lộ lọt dữ liệu người dùng khi tiến hàng thanh toán trực tuyến.

Theo đó, để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Chỉ có vậy mới tạo được niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, chuỗi giá trị liên kết hàng Việt Nam bán trên sàn thương mại điện tử của người Việt Nam; có chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu người dùng.

K.D

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực