Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) trên đường về đích nông thôn mới

Thứ bảy, 15/02/2020 12:27
(ĐCSVN) - Mỹ Xuyên được chọn làm huyện điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Mỹ Xuyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đủ các điều kiện để trở thành huyện nông thôn mới.

Được lựa chọn là huyện làm điểm, cơ sở hạ tầng Mỹ Xuyên được đầu tư, xây dựng cơ bản hoàn thiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; hiện 10/10 xã đã  được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 9/9 tiêu chí cơ bản đạt và vượt điều kiện đề ra.

 Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, Mỹ Xuyên đã huy động tổng nguồn vốn gần 4.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn chương trình hơn 281 tỷ đồng (chiếm 7,05%); vốn lồng ghép 846,5 tỷ đồng (chiếm 21,24%); vốn tín dụng là 1.976,9 tỷ đồng (chiếm 49,61%); vốn doanh nghiệp là 267,9 tỷ đồng (chiếm 6,72%) và người dân đóng góp là 612,8 tỷ đồng (chiếm 15,38%). Nguồn vốn trên là cơ sở và điều kiện thuận lợi phục vụ cho các công trình xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất và các công trình phúc lợi xã hội. Hiện tất cả các xã, thị trấn đều có đường giao thông đi lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

leftcenterrightdel

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm xã Hòa Tú 1 mang tính bền vững cao 

Tại xã Đại Tâm, nơi có hơn 76% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, cảm nhận đầu tiên khi bước chân tới nơi đây là sự đổi thay trên con đường nhựa phẳng phiu; những cánh đồng xanh tươi của lúa; những vườn cây trĩu quả đang vụ thu hoạch; những nếp nhà mái ngói đỏ tươi mới…. Sự đổi thay ấy phần nào khẳng định thành công của chính quyền và nhân dân Đại Tâm trong xây dựng nông thôn mới. Ông Thạch Phúc (ngụ ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên) phấn khởi cho biết: "Thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, bà con ấp chúng tôi đã hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: hùn vốn tiết kiệm giúp nhau phát triển ngành nghề;  đóng góp đất đai, hoa màu, ngày công lao động làm đường, lộ, thuỷ lợi; thực hiện tổ nông dân tham gia cánh đồng mẫu, thanh niên trồng màu… hàng tháng tổ chức sinh hoạt một lần, ngoài phổ biến công việc của hội, động viên nhau làm tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới"...

 Còn Hòa Tú I là xã điển hình trong công tác xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn; hàng năm nhân dân đóng góp trên 500 triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công để nâng cấp, sửa chữa cầu, đường nông thôn, đặc biệt là vai trò của Mặt Trận và các đoàn thể không ngừng được phát huy. Trong cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Tú 1 tiếp tục được ghi nhận là điển hình với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ông Nguyễn Văn Là (ấp Hòa Nhạn) cho biết: “Từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con rất phấn khởi. Không chỉ đóng góp làm đường, xây cầu mà công trình gì nhà nước cần thì nhân dân sẵn sàng hiến đất để thi công công trình nên ở đây công trình nào cũng hoàn thành sớm”.

leftcenterrightdel

Nông dân xã Đại Tâm chăn nuôi đàn bò sữa mang lại thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Trong lĩnh vực sản xuất, xã Hòa Tú I đã phát huy hiệu quả mô hình luân canh tôm – lúa, kết hợp với trồng màu trên bờ bao. Nông dân tích cực tham gia và mô hình hợp tác để liên kết sản xuất, tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tổ hợp tác sản xuất ấp Hòa Đê là một trong những mô hình liên kết hiệu quả nhất trong quy trình canh tác tổng hợp tôm – lúa – màu, ứng dụng nhiều quy trình nuôi tôm an toàn, canh tác các giống lúa đặc sản đạt năng suất cao, nên đời sống người dân phát triển rất tốt.

Ông Trần Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tú 1 cho biết: Hòa Tú I đã cơ bản hoàn thiện các tuyến đường từ xã đến các ấp, hiện nay chỉ còn tập trung vào các khu dân cư. Người dân Hòa Tú 1 tự hào khi xã nhà ngày càng phát triển, nhà nhà ấm no. “Với phương châm “con tôm là thế đột phá, cây lúa là nền tảng, cây màu để tăng thu nhập” như chủ trương của huyện Mỹ Xuyên đề ra. Là vùng canh tác lúa đặc sản ST24, ST25, đây là địa bàn đầu tiên ở vùng tôm – lúa canh tác đạt năng suất hơn 6,4 tấn/ha, phát huy hiệu quả mô hình canh tác tổng hợp, mang tính bền vững cao” – ông Thanh nói.

 Từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, Mỹ Xuyên đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Về sản xuất có các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất luân canh  tôm – lúa – màu; mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt....Từ đó, đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; theo đó thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/người/năm tăng lên 47,5 triệu đồng; hộ nghèo giảm xuống còn 1,91%. Mục tiêu đề ra là trong năm 2020, Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; năm 2025 tất cả 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

 Chính nhờ quyết tâm cùng sự sáng tạo trong cách làm, huyện Mỹ Xuyên đang tiến gần tới đích trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực