Năm Đinh Dậu về thăm làng gà Móng

Chủ nhật, 29/01/2017 14:33
(ĐCSVN) - Con đường đê uốn lượn theo sông Châu Giang thơ mộng, trữ tình đã đưa chúng tôi về thăm làng Móng, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên (Hà Nam) - nơi có giống gà Móng chân đỏ thịt thơm ngon nổi tiếng…

 

Trong cuộc trò chuyện cởi mở ngày cuối năm, Phó Chủ tịch xã Tiên Phong Trần Quốc Thắng cho biết, làng Móng (còn gọi là thôn An Mông) là tên làng có từ cổ xưa của xã. Nếu đi máy bay nhìn từ trên cao xuống hoặc nhìn bản đồ, địa thế cả ngôi làng có các điểm thò thụt giống như hình bàn chân gà toẽ ra với ba mặt tiếp giáp với sông Châu Giang, nên các cụ xưa gọi là làng Móng.

Tại làng Móng từ rất lâu có một giống gà thơm ngon đặc biệt tên là gà Móng. Theo các nguồn tư liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam và Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thì giống gà Móng của xã Tiên Phong là giống bản địa nguyên chủng có nguồn gen quý hiếm không bị pha tạp và mang đậm đặc trưng của gà Việt. Thêm nữa, giống gà trên chỉ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên từ lâu giống gà Móng quý hiếm có trong sách Đỏ được nuôi độc nhất ở xã này.

“…Khoảng đầu năm 2000, một lần về địa phương khảo sát thực trạng chăn nuôi, trong bữa cơm trưa thân mật nhà dân thiết đãi, anh cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã vô tình phát hiện ra giống gà có thịt thơm ngon, da giòn khác lạ. Sau đó giống gà của làng Móng được đưa lên Viện Chăn nuôi để xét nghiệm. Kết quả là gen của giống gà Móng thuộc loại vô cùng quý hiếm. Ít năm sau, giống gà Móng được ghi danh vào trong sách Đỏ” – Phó Chủ tịch xã Tiên PhongTrần Quốc Thắng cho biết.

Một số đặc điểm nổi bật của gà Móng là thịt đậm, dai, da giòn ít mỡ, khi ăn rất thơm ngon. Về thích nghi, chúng chịu được khí hậu nóng, lạnh theo mùa, chống chịu tốt với bệnh tật, ăn uống kham khổ (chủ yếu thóc, ngô, con giun, dế và sinh vật trên đồng bãi) phù hợp với chăn thả tự do. Đây cũng là giống gà lớn nhanh, nuôi 5 - 6 tháng, gà trống đạt trọng lượng 3,5 - 4 kg, gà mái 2,5 - 3 kg…

 

Anh Thắm bên trang trại gà Móng thả vườn với tổng đàn cả vạn con của gia đình.


Từ năm 2005, giống gà bản địa quý hiếm này đã được chính thức đưa vào bảo tồn quỹ gen và tạo điều kiện để phát triển. Chương trình bảo tồn gen gà Móng Tiên Phong được thực hiện tại trang trại gà của anh Nguyễn Văn Thắm – một trong những người chăn nuôi nhiều gà nhất làng Móng.

Trên diện tích vườn rộng 2 héc-ta của nhà anh Thắm, giống gà Móng được phát triển khá tốt. Hàng ngày, cán bộ dự án cùng hộ chăn nuôi chọn lọc để giữ lại những cá thể có độ thuần chủng cao (loại bỏ những con không theo nguyên bản: chậm lớn, hay mắc bệnh, trọng lượng nhỏ…). Cùng với quá trình bảo tồn gen, đàn gà Móng thuần chủng được nhân giống để nâng cao số lượng đàn. Một số cá thể gà chất lượng tốt còn được đưa lên bảo tồn giống tại Viện chăn nuôi.

Việc con gà Móng có sức đề kháng vượt trội, theo kết quả nghiên cứu của ngành nông nghiệp Hà Nam và Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) là do chúng được thừa hưởng đặc thù thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu của địa phương. Thật vậy, làng Móng và cả xã Tiên Phong xưa kia vốn là địa bàn khó khăn, với 3 mặt bị cô lập bởi sông Châu Giang, cả xã chỉ có một con đường độc đạo ra vào để giao lưu với bên ngoài…đều đó đã vô tình tạo sự cách ly cần thiết để con gà Móng được an toàn trước dịch bệnh. Thực tế đã chứng minh, năm 2003 trong khi nhiều địa phương lân cận với xã Tiên Phong gà bị cúm H5N1 hàng loạt, nhưng chỉ con gà Móng của xã là vẫn khỏe mạnh không hề hấn gì.

 

Đàn gà Móng thành phẩm bán trong dịp Tết Đinh Dậu của gia đình ông Trần Xuân Xưởng.


Là người có kinh nghiệm nuôi gà Móng lâu năm, ông Trần Xuân Xưởng, người làng Móng cho biết: Giống gà này có từ thời xưa, dân làng nuôi rồi nhân giống hết đời này qua đời khác. Nó rất dễ nuôi, chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền, giun dế trên đồng bãi, do đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng nên chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, không mỡ. Loài này có đặc điểm con trống màu đỏ tía, chân to, vảy thẳng hàng không xù xì như các giống gà khác, con mái lông trắng nhạt.

Sau 7 - 8 tháng gà Móng bắt đầu đẻ, trung bình gà mái đẻ 200-230 trứng một năm. “Gà con khi mới nở bao giờ màu lông cũng trắng, chân vàng. Kẽ chân có đường viền đỏ, vảy thẳng hàng. Đặc biệt, tiếng gáy của gà Móng trầm mà không bổng như loài gà khác” – ông Xưởng cho biết thêm.

Cũng như ông Xưởng, ông Hoàng Mai Thao, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tiên Phong, một người gắn bó với con gà Móng nhiều năm cho biết: Giống gà Móng từ bao đời nay chỉ có duy nhất ở xã Tiên Phong, và chỉ ở đây nó mới phát triển mạnh và cho chất lượng thịt tốt nhất. Những năm qua đã rất nhiều nơi đến mua gà giống về nuôi thử nhưng sau đó hai ba lứa thì gà bị chết. Trước hiện tượng trên, Viện chăn nuôi đã về giám định và nhận thấy, xã Tiên Phong – nơi sinh ra giống gà quý này chính là nơi lưu giữ nguồn gen tốt nhất không vùng đất nào có thể thay thế được” - ông Thao tự hào nói.

Theo số liệu thống kê của xã Tiên Phong, hiện 100% số hộ gia đình tại địa phương đang có nuôi gà Móng, với tổng đàn hơn 30.000 con. Trong xã nhà nào nuôi ít 50 – 70 con, nhà trung bình 100 – 200 con, đặc biệt có những hộ nuôi hàng nghìn, thậm chí vạn con như gia đình anh Nguyễn Văn Thắm. Do vậy có một điều thú vị dù được liệt vào loài sách Đỏ, nhưng gà Móng được người dân Tiên Phong nuôi phổ biến và là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn.

 

Chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu con gà Móng Tiên Phong do Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp.

 

Trong những ngày cận Tết, thương lái khắp nơi đánh xe về xã Tiên Phong để mua gà Móng. Dẫn chúng tôi tham quan đàn gà quý trong vườn nhà, ông Trần Xuân Xưởng giải thích, gà Móng là giống gà cổ thuần chủng, chân to, thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên). Vì thế giá gà Móng luôn cao. Năm nay giá gà thương phẩm dao động từ 130 – 150 nghìn đồng/kg. Ông Xưởng cho biết, có những năm cao điểm giá gà đạt từ 200 – 250 nghìn đồng/kg.

Trở lại câu chuyện với Phó Chủ tịch xã Tiên Phong, ông Trần Quốc Thắng phấn khởi chia sẻ: Những năm qua nhờ đẩy mạnh chăn nuôi con gà Móng, tỷ lệ hộ khá giàu trong xã Tiên Phong đạt 25%, trung bình khá đạt 70 %, thu nhập bình quân đạt 33,5 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống rõ rệt từ 22% (năm 1998) xuống còn 2,66 % (năm 2016). Năm 2016, Tiên Phong là xã có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn huyện Duy Tiên. Hiện nay chăn nuôi gà và trồng cấy nông nghiệp là 2 nghề chính của người dân địa phương...

 

Ông Trần Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

 

Từ năm 2014 địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Nam, lập hồ sơ trình lên Cục sở hữu Trí tuệ cấp xác nhận hàng hóa với con gà Móng. Ngày 12/4/2016, gà Móng Tiên Phong đã chính thức được Cục sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể gà Móng Tiên Phong, đại diện pháp nhân là Hiệp hội chăn nuôi và kinh doanh gà móng Tiên Phong. Theo đó, nhãn hiệu tập thể gà Móng Tiên Phong được sử dụng cho các sản phẩm gồm trứng gà, gà giống, gà sống, đã được thụ tinh dùng để ấp và dịch vụ mua bán gà các loại như gà giống, gà thương phẩm, trứng gà…

Tuy vậy, ông Thắng vẫn không khỏi  trăn trở với con gà Móng quê mình, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, vì hiện nay gà Móng đang phải cạnh tranh khốc liệt với gà nhập khẩu, đấu đá với gà nhập lậu để giành giật chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ. Địa phương đề nghị thời gian tới tiếp tục được cấp trên hỗ trợ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm con gà Móng, đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến cho địa phương ký kết được với các doanh nghiệp lớn về đầu tư, phát triển mở rộng chăn nuôi cũng như tiêu thụ, để con gà Móng đặc sản của Tiên Phong được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn./.

 
Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực