Nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam

Thứ năm, 05/12/2019 18:43
(ĐCSVN) - Đó là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị toàn thể ISG 2019. Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức với chủ đề “Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”, diễn ra ngày 5/12, tại Hà Nội.
leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị.( Ảnh: BT)

Hội nghị toàn thể ISG là sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) với các đối tác quốc tế để trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác và tăng cường điều phối các nguồn lực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Năm 2019, Việt Nam bước vào thời kỳ mới với các FTA thế hệ mới. Bên cạnh những cơ hội khi các FTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo theo sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại từ các nước xuất, nhập khẩu ngày càng cao. Việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chế biến nông sản, mở cửa thị trường và khắc phục các hàng rào kỹ thuật trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu trên, hàng loạt vấn đề từ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn,… không chỉ đòi hỏi nỗ lực cao của ngành nông nghiệp mà còn cần sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, của doanh nghiệp và của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam tuy đã đạt được thành tựu to lớn nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp tốt nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao, rủi ro, lãng phí sản xuất còn lớn. Bên cạnh đó, ngành mới chỉ có một số mặt hàng đi đầu có chế biến sâu như tôm, cá tra, bò sữa… Nhìn chung, hầu hết các sản phẩm có chuỗi giá trị còn rất ngắn.

Theo ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, một số các mặt hàng truyền thống có giá trị xuất khẩu chưa ổn định, lợi nhuận dành cho nông hộ nhỏ thấp, giá trị gia tăng thấp, tổn thất sau thu hoạch đáng kể,… Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời đối mặt với thách thức và tính năng động của thị trường quốc tế. Việt Nam cần nhắm vào mục đích cạnh tranh dựa trên hiệu quả, các sản phẩm có giá trị gia tăng, chất lượng cao để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất các khuyến nghị chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công từ các dự án của đối tác quốc tế trong việc phát triển xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, thúc đẩy chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; chia sẻ các định hướng ưu tiên nhằm tăng cường cơ hội hợp tác trong phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt hướng đến nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực