Nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt

Thứ năm, 15/03/2018 15:04
(ĐCSVN) - Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, sau 9 năm phát động, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp địa phương và có sức lan tỏa nhanh.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA)

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chủ trì Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, năm 2017, là năm thứ hai Ban Chỉ đạo phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố. Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch làm việc, nắm tình hình triển khai Cuộc vận động tại các địa phương được phân công. Cuộc vận động ở các địa phương đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia thực hiện Cuộc vận động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Mặt khác, công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu ngày càng được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ủy ban MTTQ các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, ngành chức năng để lồng ghép việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức chính trị - xã hội, … tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội…

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng nhận định công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên; một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường…

Năm 2018, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu của các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm các trang thiết bị là hàng hóa nội địa. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và cả tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động…

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã đưa ra những giải pháp cụ thể để Cuộc vận động ngày càng thiết thực thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nội địa, biểu dương các sản phẩm, đưa ra các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về địa bàn vùng sâu, vùng xa… để đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông "Tự hào hàng Việt"…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sau 9 năm phát động, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp địa phương và có sức lan tỏa nhanh. Cuộc vận động góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động thông qua việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước với những mặt hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước khi đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước; đưa ra giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường nội địa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh chương trình phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cần tạo điều kiện, tạo động lực, khuyến khích từng doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực