Nâng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị

Thứ ba, 18/09/2018 22:02
(ĐCSVN) - Chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.
Hình ảnh tại buổi tọa đàm (Ảnh:H.T)

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”.

Xử lý 12 dự án yếu kém còn nhiều khó khăn

Tại buổi tọa đàm, thông tin liên quan đến kết quả việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương sau gần 2 năm triển khai xử lý, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: “Hiện nay với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các Bộ và đặc biệt bản thân các doanh nghiệp (DN) đã rà soát lại, tiến hành một số biện pháp quyết liệt trong vấn đề đổi mới quản trị, rà soát chi phí. Sau hơn 1 năm, chúng tôi đã tổng kết lại: trong 12 dự án có 4 dự án bắt đầu khôi phục lại, đã hoạt động sản xuất lại, có 2 doanh nghiệp bên hóa chất đã có lãi; 3 dự án trước đây dừng hoạt động sản xuất đến nay bắt đầu khởi động lại...".

Ông Tiến khẳng định, như vậy tất cả 12 dự án của ngành Công thương được triển khai đúng tiến độ, theo đúng kế hoạch, phương án mà ban chỉ đạo đưa ra. Tuy nhiên xử lý 12 dự án này vẫn còn rất khó khăn bởi chúng ta cương quyết làm theo thị trường. Ví dụ có những dự án bán không được chúng ta phải chấp nhận phá sản; có những dự án không bán được, không khởi động được thì phải chuyển sang hình thức khác.

“Hiện nay, chúng tôi đang quyết liệt yêu cầu tập đoàn Hóa chất, Dầu khí báo cáo thật rõ, đánh giá lại toàn bộ các dự án này xem tính hiệu quả, khả năng hòa vốn ở đâu, có thể bán được sản phẩm không? Đây là một trong những vấn đề các tập đoàn còn đang lúng túng bởi nếu tính đúng, tính đủ, thì sẽ ra những vấn đề chúng ta chưa phát hiện được. Quan điểm của Bộ Tài chính là nếu có phương án hiệu quả và các bộ ngành kiểm soát được hiệu quả đó thì không có lí do gì để chúng ta không đầu tư, không đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, ngay cả báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung vốn nhà nước để chúng ta đầu tư lại một doanh nghiệp có hiệu quả, khi hoạt động tốt rồi, chúng ta bán thu hồi về”, ông Tiến cho hay.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cả 12 dự án hoạt động yếu kém của Bộ Công Thương thì Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo để bảo đảm kết quả tốt nhất. Nhưng 12 dự án này không thuộc chủ trương của Nhà nước phải nắm giữ vốn. Với các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc pháp lý với tổng thầu EPC, Nhà nước cần phải giải quyết trước khi tiến hành các giải pháp tiếp theo, trong đó có cổ phần hoá và kể cả bán doanh nghiệp. Lúc này, mới thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng vào vực dậy các DN này.

Tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm

Cổ phần hoá, thoái vốn là giải pháp quan trọng để đổi mới hoạt động của DNNN. Tới nay, hành lang pháp lý cho cổ phần hoá, thoái vốn được các nhà quản lý chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện để đạt mục tiêu thay đổi quản trị của DNNN. Kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn cho từng năm đã được xác định, số thu từ cổ phần hoá cũng được ấn định cho kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hoá vẫn chậm.

Tại buổi tọa đàm, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra nguyên nhân đó là, việc cổ phần hóa đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ các cơ quan nhà nước mà của chính bộ máy các doanh nghiệp, người ta có sẵn sàng không? Đây là yếu tố rất quan trọng.

Theo ông Phùng Văn Hùng, đó là một nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân căn bản. Chủ trương của ta cổ phần hoá là nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả. Khi cổ phần hoá xong thì mong muốn là DNNN hoạt động hiệu quả hơn thì đóng thuế nhiều hơn và ngân sách tốt hơn. Ta nhìn thấy Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Sabeco chẳng hạn đưa giá trị cổ phiếu lên rất cao, phản ánh đúng giá trị nguồn vốn - thương hiệu mà Nhà nước đã xây dựng. Hiệu quả hoạt động rõ ràng hơn, vốn doanh nghiệp dầy lên, sản xuất phát triển và đóng góp thuế tăng lên đó là ngân sách đấy chứ? Nên đây không phải là nguyên nhân căn bản.

Ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong khối DNNN, các doanh nghiệp có quy mô lớn như một số doanh nghiệp ngành dầu khí, điện, Sabeco, Vinamilk chứ không phải quá nhiều. Nhiều DNNN hiệu quả thấp nhưng tài sản lớn là đất đai còn thiết bị máy móc thì vừa phải thậm chí là lạc hậu rồi, nên làm thế nào phải để các nhà đầu tư tin vào môi trường đầu tư kinh doanh sau này, cổ phần hoá rồi mà họ vẫn làm ăn được. Vấn đề rất lớn là làm sao cho các nhà đầu tư ấy tin tưởng như những gì Chính phủ đang nỗ lực thực hiện. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 thay đổi nhanh lắm thì tác động rất lớn tới thương hiệu, hiệu qủa sản xuất rất nhanh. Hiện nay, ta đang chậm. Nếu ta không làm tốt thì rất khó mà thoát ra khỏi để tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ, đúng là giờ Chính phủ và các bộ, ngành và người dân trông cậy vào khu vực nhà nước hiệu quả, muốn vậy phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuát kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các DNNN có vị thế đất đai ở vị trí tốt mà anh không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản cả.

Do vậy, Chính phủ đã đi trước một bước, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo là bằng việc quy định các DNNN trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng việc khác còn anh làm ngành nghề gì thì anh làm ngành nghề đấy. Đây là giải pháp đổi mới sát với thực tiễn, quy định ở Nghị định số 126 về sắp xếp đất đai và Nghị định số 32 của Chính phủ về thoái vốn. DNNN sắp xếp xong đất đai đi thì hãy cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng lộ trình đặt ra.

Cần chú trọng năng lực quản trị của DN sau cổ phần hóa

Theo ông Đặng Quyết Tiến, bản thân doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, thoái vốn thì năng lực quản trị rất tốt như Vinamilk. Những doanh nghiệp khác thì các nhà đầu tư cũng mang các nguyên tắc quản trị của thị trường vào, bảo đảm công khai minh bạch và quan trọng nhất là các vấn đề được xử lý theo thị trường. Tất nhiên, đây là các DN lớn được các nhà đầu tư quan tâm, được thị trường giám sát. Nhưng về quản trị sau cổ phần hoá thì rất nhiều doanh nghiệp không làm tốt được, vẫn "bình mới rượu cũ". Chính phủ phải quyết liệt và DNNN phải đi đầu để nhận sự hỗ trợ theo quy luật của thị trường. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đang thiết kế các tiêu chuẩn quản trị theo đúng yêu cầu của quốc tế.

Ông Phùng Văn Hùng cho rằng, việc bắt buộc DNNN sau cổ phần phải niêm yết trên thị trường chứng khoán là quan trọng. Khi đã niêm yết thì tính công khai minh bạch được nhấn mạnh. Trên thị trường chứng khoán thì sức khoẻ của DN được đo đếm công khai, giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào DN đó. Đây là kinh nghiệm của thế giới mà ta hội nhập thì phải tuân thủ. Nhưng nhiều DN không muốn niêm yết là điều không bình thường. Họ muốn việc trao đổi, mua bán cổ phiếu chỉ làm trong 1 nhóm thì đây là việc Chính phủ cần phải xem xét từng DN không niêm yết để có giải pháp kịp thời, để các DN phải tuân thủ các quy định nguyên tắc thị trường đã đề ra.

Được biết, theo kế hoạch, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/9 tới đây. Đây là dịp để Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp bàn bạc, tháo gỡ, tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp DNNN. Đồng thời, tháo gỡ, xử lý những dự án tồn tại, khó khăn mà thời gian qua dư luận quan tâm./.

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực