Ngành công nghiệp hứa hẹn phát triển trong năm 2010

Thứ ba, 05/01/2010 17:11

(ĐCSVN) - Năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều lĩnh vực kinh tế của nước ta chịu tác động lớn, trong đó có công nghiệp. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực vượt bậc trong năm 2009, ngành công nghiệp đã từng bước được khôi phục và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, tạo tiền để cho sự phát triển của ngành này trong năm 2010.

Công nghiệp là ngành bị ảnh hưởng mạnh từ khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế trong năm qua có nhiều cố gắng; Chính phủ và các cấp, các ngành đã đề ra những giải pháp kịp thời, hỗ trợ lãi suất vay vốn và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước thông qua các gói kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng; vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nên kết quả sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực.

Nếu như nhìn lại từ đầu năm 2009, chúng ta có thể thấy sự chuyển biến theo đà đi lên của ngành công nghiệp Việt Nam. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2009 theo giá so sánh 1994 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2008; đến các tháng tiếp theo tuy đạt mức tăng trưởng dương nhưng với tốc độ thấp (bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8%). Nhưng trong những tháng cuối năm ngành công nghiệp đã tăng trên dưới 10%. Mức tăng này thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Cụ thể, tháng 8 tăng 9,9%; tháng 9 tăng 12,4%; tháng 10 tăng 9,2%; tháng 11 tăng 10,8% và tháng 12 tăng 13,4%.

Như vậy, tính chung cả năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính đạt 696,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 3,7%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1% (dầu mỏ và khí đốt tăng 9,2%, các ngành khác tăng 8%).

Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng trong năm qua đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung như: Điều hòa nhiệt độ tăng 41,8%; khí hóa lỏng tăng 39,3%; tủ lạnh, tủ đá tăng 29,5%; xà phòng tăng 20,2%; xi măng tăng 19,2%; thép tròn tăng 19,1%; điện sản xuất tăng 11,9%; thuốc lá điếu tăng 10,5%; than sạch tăng 9,9%; dầu thô khai thác tăng 9,8%; nước máy thương phẩm tăng 9,7%; bia tăng 8,5%...

Có thể nói đạt được mức tăng trưởng như trên ngoài sự nỗ lực từ Trung ương còn có sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh. Khép lại năm 2009, chúng ta phải kể đến sự nỗ lực của một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung cả nước và góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cả nước tăng trưởng như: Quảng Ninh trong năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,8%; Thanh Hóa tăng 13,9%; Đồng Nai tăng 10,6%; Bình Dương tăng 10,3%; Khánh Hòa tăng 10%; Hà Nội tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 9,1%; Đà Nẵng tăng 8,3%... Ngoài ra một số địa phương khác cũng có mức tăng khá như: thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hải Phòng tăng 7,7%. Bên cạnh đó, một số tỉnh có tốc độ tăng thấp như: Hải Dương tăng 6,2%; Phú Thọ tăng 5,3%; Vĩnh Phúc tăng 5%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 3,1%...

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp để góp phần hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, trong thời gian tới, ngành công nghiệp cần cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tạo đà cho sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực